Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) thông báo tổ chức khóa đào tạo “Đảm bảo tính toàn vẹn và kéo dài tuổi thọ cho các chân đế giàn khoan và các đường ống ngầm sử dụng phương pháp bảo vệ cathode“. Khóa học này được thiết kế để cung cấp kiến thức chuyên môn sâu về quá trình ăn mòn bên ngoài đối với các công trình dầu khí ngoài khơi, phương pháp bảo vệ chống ăn mòn bên ngoài đối với các công trình biển và các phương pháp kéo dài tuổi thọ cho các chân đế giàn khoan và đường ống ngầm hiện hữu.

I. NỘI DUNG ĐÀO TẠO

     1. Khái niệm về quá trình ăn mòn bên ngoài đối với các công trình dầu khí ngoài khơi

  1. Các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn bên ngoài đối với các công trình biển
  1. Phương pháp kéo dài tuổi thọ cho các chân đế giàn khoan và đường ống ngầm hiện hữu
  1. Các kết quả thực tế – Trao đổi và thảo luận
  2. Giảng viên: PGS.TS. Nguyễn Thị Lê Hiền
    Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn và đánh giá ăn mòn, đảm bảo tính toàn vẹn cho các công trình dầu khí ngoài khơi.

II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, HỌC PHÍ:

Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký, xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ – Viện Dầu khí Việt Nam
Tầng 2, 167 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024.37823250/ 0989099660 (Mrs. Lê Thị Thành)
Email: ctat@vpi.pvn.vn

Ngày 17/4/2024, Viện Dầu khí Việt Nam có Thông báo số 1911/TB-VDKVN về việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ đợt 1 năm 2024, với chỉ tiêu xét tuyển là 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).

Khu vực triển khai thử nghiệm công nghiệp hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP tại mỏ Bạch Hổ.

Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).
Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: (1) Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; (2) Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc – kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; Ứng dụng AI, ML trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác; Ứng dụng AI, ML phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; Ứng dụng AI, ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí; Nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; Các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, tàng trữ và giám sát quá trình tàng trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; Nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể; Lưu giữ khí hydrogen trong môi trường lỗ hổng: Lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; Nghiên cứu địa kỹ thuật trầm tích đáy biển phục vụ triển khai điện gió ngoài khơi và các dự án năng lượng tái tạo trên biển…
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của PVN; Phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydrogen, nhiên liệu và hóa chất; Nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; Phát triển chuỗi giá trị hydro xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm; Nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị khí thiên nhiên hóa lỏng trung hòa carbon (carbon neutral LNG) và tích hợp vào hoạt động của PVN; Nghiên cứu các công nghệ chuyển hóa CO2 thành các loại vật liệu, nhiên liệu, hóa chất và đề xuất lộ trình ứng dụng trong định hướng chuyển dịch năng lượng của PVN.
Thời gian nhận hồ sơ dự tuyển: Từ ngày 22/4/2024 – 21/5/2024 căn cứ vào thời gian nhận hồ sơ dự tuyển.
Liên hệ tư vấn tuyển sinh: Ban Tổ chức Nhân sự – Tầng 16 Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam, Số 167 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội (Mrs. Trần Thị Vui – 02437843061 (ext.: 1493)/0972 686464).
Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2024: Chi tiết tại đây.
Mẫu Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh: Chi tiết tại đây.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết từ nay đến ngày 5/11/2023 sẽ xét tuyển 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).

Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).
Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: (1) Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ hàng tháng theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; (2) Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc – kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; Ứng dụng AI, ML trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác (Ứng dụng AI, ML phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; Ứng dụng AI, ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí); Nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; Các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi (Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, tàng trữ và giám sát quá trình tàng trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; Nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chấn (địa chấn địa tầng, thuộc tính địa chấn, …) để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể); Lưu giữ khí hydrogen/CO2 trong môi trường lỗ hổng: lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; Ứng dụng khoa học dữ liệu trong phân tích và mô tả địa kỹ thuật lòng đất vùng gần bờ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của PVN và đề xuất mô hình phù hợp để tích hợp chuỗi giá trị CCS vào chuỗi hoạt động của PVN; Phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa CO2 và khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydro, nhiên liệu và hóa chất; Nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; Phát triển công nghệ tổng hợp vật liệu than ống kích thước nano (CNT) từ nguồn khí giàu methane sử dụng công nghệ CVD và xúc tác kim loại dạng bản mỏng; Phát triển chuỗi giá trị hydrogen xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm.
Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2023 đợt 2: Chi tiết tại đây.
Mẫu Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh: Chi tiết tại đây.

Ngày 31/7/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh.

TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh

Nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại VPI vào ngày 27/4/2023 với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý; ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long”.
Kết quả nghiên cứu của Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trong các thành tạo trầm tích sông – hồ dựa trên cách tiếp cận địa tầng phân tập 2 miền hệ thống phủ chồng cao (HAST) và miền hệ thống phủ chồng thấp (LAST). Hệ phương pháp nghiên cứu được tác giả đề xuất đã bước đầu cho phép nhận diện và xác định bẫy phi cấu tạo trong các tập trầm tích Oligocene – Miocene sớm tại Lô 09-1, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bồn trũng Cửu Long.
Thay mặt cơ sở đào tạo, TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI đã trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh. Lãnh đạo VPI đánh giá cao phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo áp dụng cho Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long do Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh đề xuất là nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. Lãnh đạo VPI chúc TS. Nguyễn Lâm Anh tiếp tục phát huy kết quả nghiên cứu đạt được để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chúc mừng Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” có thêm 1 nhà khoa học được cấp bằng Tiến sĩ, chúc mừng VPI là cơ sở đào tạo uy tín, có đủ năng lực và kinh nghiệm, góp phần lan tỏa tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong ngành Dầu khí.
Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Vietsovpetro, VPI, sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng nghiệp và gia đình đã tạo điều kiện để có thể hoàn thành nghiên cứu này; đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học, để xứng đáng là sản phẩm đào tạo của VPI và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Từ ngày 1 – 20/7/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) sẽ xét tuyển 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).


Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).
Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: (1) Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ hàng tháng theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; (2) Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc – kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; Ứng dụng AI, ML trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác (Ứng dụng AI, ML phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; Ứng dụng AI, ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí); Nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; Các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi (Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, tàng trữ và giám sát quá trình tàng trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; Nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chấn (địa chấn địa tầng, thuộc tính địa chấn, …) để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể); Lưu giữ khí hydrogen/CO2 trong môi trường lỗ hổng: lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; Ứng dụng khoa học dữ liệu trong phân tích và mô tả địa kỹ thuật lòng đất vùng gần bờ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của PVN và đề xuất mô hình phù hợp để tích hợp chuỗi giá trị CCS vào chuỗi hoạt động của PVN; Phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa CO2 và khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydro, nhiên liệu và hóa chất; Nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; Phát triển công nghệ tổng hợp vật liệu than ống kích thước nano (CNT) từ nguồn khí giàu methane sử dụng công nghệ CVD và xúc tác kim loại dạng bản mỏng; Phát triển chuỗi giá trị hydro xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm.

Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2023: Chi tiết tại đây.

Mẫu Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh: Chi tiết tại đây.

 

Ngày 15/6/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) công bố báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023.
1. Báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 theo trình độ/lĩnh vực/ngành đào tạo năm 2022: Chi tiết báo cáo tại đây.
2. Cơ sở pháp lý xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023: Cơ sở xác định tại đây.
3. Các điều kiện đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023. Điều kiện chi tiết tại đây.
4. Đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023: Chỉ tiêu cụ thể tại đây.

Ngày 18/5/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) công bố toàn văn Luận án Tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý; ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09-1, bồn trũng Cửu Long”, thuộc chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí, mã số 9.52.06.04. Luận án này đã được nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ – cấp Viện ngày 27/4/2023.
Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trong các thành tạo trầm tích sông – hồ dựa trên cách tiếp cận địa tầng phân tập hai miền hệ thống (Miền hệ thống phủ chồng cao – HAST và miền hệ thống phủ chồng thấp – LAST). Hệ phương pháp nghiên cứu được đề xuất đã bước đầu cho phép nhận diện và xác định được một số bẫy phi cấu tạo trong các tập trầm tích Oligocene – Miocene sớm tại Lô 09-1, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bể Cửu Long.

Thông tin chi tiết về Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh trong đường link: 8_LATS_Nguyen Lam Anh_chỉnh sửa.pdf

Bản thuyết minh giải trình chỉnh sửa: 9_Giai trinh chinh sua Luan an.pdf

 

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết ngày 27/4/2023 sẽ tổ chức họp đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện của nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý – ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09-1, bồn trũng Cửu Long”, thuộc chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí, mã số 9.52.06.04.

Những kết quả cập nhật và nghiên cứu mới từ các giếng khoan và tài liệu địa chấn 3D gần đây được tiến hành chi tiết và định lượng đã góp phần làm sáng tỏ sự khác biệt về đặc điểm trầm tích của môi trường sông – hồ, được giới hạn từ mặt ranh giới SH3 đến SH11 của Lô 09-1 về các khía cạnh tướng thạch học, môi trường lắng đọng, hình thái kích thước và phân bố không gian cũng như quy luận biến đổi tướng trầm tích theo không và thời gian so với trầm tích trong môi trường biển. Nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã đề xuất được hệ phương pháp nghiên cứu hợp lý và hiệu quả trong nghiên cứu phát hiện các bẫy phi cấu tạo phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả tìm kiếm,  thăm dò dầu khí. Trong đó, phương pháp địa tầng phân tập gồm 2 miền hệ thống áp dụng cho môi trường trầm tích sông – hồ được cho là phương pháp chủ đạo để tìm kiếm các thân cát có triển vọng chứa trong miền hệ thống phủ chồng cao (HAST). Việc áp dụng hệ phương pháp nghiên cứu phù hợp đã bước đầu dự báo được một số bẫy phi cấu tạo triển vọng chứa dầu khí cho Lô 09-1, bồn trũng Cửu Long.

Tham khảo thông tin chi tiết về Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh trong đường link: LATS Nguyễn Lâm Anh.

Ngày 1/3/2023, Viện Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định số 885/QĐ-VDKVN về việc Thành lập Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Viện của Nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh với đề tài luận án “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý – ứng dụng thực tế tại khu vực lô 09-1, bồn trũng Cửu Long”, thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí, mã số 9.52.06.04.

Vị trí các bẫy phi cấu tạo tiềm năng tổng hợp trên cơ sở dị thường địa chấn và mô hình trầm tích

Theo đề tài luận án, những kết quả cập nhật và nghiên cứu mới từ các giếng khoan và tài liệu địa chấn 3D gần đây được tiến hành chi tiết và định lượng đã góp phần làm sáng tỏ sự khác biệt về đặc điểm trầm tích của môi trường sông – hồ, được giới hạn từ mặt ranh giới SH3 đến SH11 của lô 09-1 về các khía cạnh tướng thạch học, môi trường lắng đọng, hình thái kích thước và phân bố không gian cũng như quy luận biến đổi tướng trầm tích theo không và thời gian so với trầm tích trong môi trường biển. NCS. Nguyễn Lâm Anh đã xây dựng được khung địa tầng phân tập phù hợp cho việc phân chia địa tầng của các thành tạo trầm tích môi trường sông – hồ, với những cách tiếp cận khác so với hệ thống phân chia địa tầng phân tập truyền thống áp dụng cho môi trường biển. Cụ thể, một tập địa tầng đối với các thành tạo trầm tích hình thành trong môi trường sông – hồ gồm hai miền hệ thống: (i). Miền hệ thống phủ chồng cao (HAST) và (ii). miền hệ thống phủ chồng thấp (LAST) dựa trên tỷ lệ tương đối giữa các tập trầm tích hạt thô tướng lòng sông, quạt ven hồ và các tập trầm tích hạt mịn tướng đồng bằng ngập lụt và đầm hồ).

Kết quả của luận án đã đề xuất được hệ phương pháp nghiên cứu hợp lý và hiệu quả trong nghiên cứu phát hiện các bẫy phi cấu tạo phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả tìm kiếm – thăm dò dầu khí. Trong đó, phương pháp địa tầng phân tập gồm hai miền hệ thống áp dụng cho môi trường trầm tích sông – hồ được cho là phương pháp chủ đạo để tìm kiếm các thân cát có triển vọng chứa trong miền hệ thống HAST. Việc áp dụng hệ phương pháp nghiên cứu phù hợp đã bước đầu dự báo được một số bẫy phi cấu tạo triển vọng chứa dầu khí cho lô 09-1, bồn trũng Cửu Long.

Tham khảo thông tin chi tiết về Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh trong đường linkLATS Nguyễn Lâm Anh.

 

Ngày 9/2/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức tổng kết, đánh giá và trao giải cho 11 sản phẩm sáng tạo của đoàn viên thanh niên VPI trong chương trình đào tạo với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu”. 

Chương trình đào tạo với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu” được VPI tổ chức trong 2 tháng từ tháng 11/2022 với sự tham gia của 49 đoàn viên thanh niên, cung cấp kiến thức về xu hướng phát triển của thị trường phân tích dữ liệu, các nguồn và cấu trúc dữ liệu, các phương pháp và kỹ thuật phân tích dữ liệu; từ đó ứng dụng vào các công việc đang triển khai, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và lan tỏa nét văn hóa “Tự học hỏi, tự hoàn thiện bản thân”.

Giai đoạn 1 của chương trình đào tạo cung cấp kiến thức cơ bản về sản phẩm dữ liệu của VPI xây dựng từ Power BI và Python, phương pháp tiếp cận PMP (Pyramid, MECE, Pareto), cách xây dựng yêu cầu cần đạt của sản phẩm dữ liệu (problem statement) thông qua mẫu Miro, sơ đồ triển khai sản phẩm dữ liệu 3 lớp UAD (User, Analysis, Data) và cách áp dụng phương pháp PMP cùng công cụ Miro để xây dựng sơ đồ triển khai sản phẩm dữ liệu (bản đồ giải pháp – solution map), dataframe và cách chuyển từ range dữ liệu trong Excel qua dataframe, cách đưa dataframe vào PBI/Deepnote.

Ứng dụng các kiến thức được trang bị trong giai đoạn 1 và các khóa đào tạo nâng cao trên nền tảng đào tạo phân tích dữ liệu – Datacamp, trong giai đoạn 2 và 3, các đoàn viên thanh niên VPI đã thực hành xây dựng sản phẩm dữ liệu, xây dựng sơ đồ triển khai sản phẩm dữ liệu, nhập liệu vào mẫu dataframe (csv) và chuyển dataframe vào PBI service hay Deepnote dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ và góp ý của các chuyên gia VPI (TS. Phan Ngọc Trung, TS. Nguyễn Hồng Minh, TS. Nguyễn Hữu Lương, ThS. Nguyễn Phương Thủy), Bộ phận Phân tích dữ liệu và Bộ phận Nắm thị trường của VPI.

Từ các sản phẩm dữ liệu do các đoàn viên thanh niên VPI xây dựng, ban tổ chức và các chuyên gia đã đánh giá và chọn ra 11 sản phẩm có chất lượng tốt nhất, trong đó 5 giải Nhất sẽ được VPI đầu tư phát triển trong thời gian tới gồm: “Ứng dụng ngôn ngữ lập trình Python để hiệu chỉnh (normalization) đường Gamma ray (GR) trong địa vật lý giếng khoan” của đoàn viên Nguyễn Thị Thanh; “Xây dựng công cụ dự báo sản lượng khai thác dầu sử dụng các thuật toán học sâu dựa trên cơ chế chú ý dựa trên cơ chế chú ý cho đối tượng móng nứt nẻ vòm Trung tâm, mỏ Bạch Hổ” của đoàn viên Trần Đăng Tú; “Chỉ số hydrogen Việt Nam (Vietnam’s hydrogen index)” của đoàn viên Trương Văn Nhân; “Tối ưu hóa (trực quan dữ liệu) dữ liệu hiện có tại phòng thí nghiệm” của đoàn viên Nguyễn Thị Thanh Ngà và “Bản đồ hóa các điểm dữ liệu” của đoàn viên Trần Xuân Quý.

Viện trưởng TS. Nguyễn Anh Đức và chuyên gia TS. Phan Ngọc Trung trao giải Nhất cho đoàn viên Nguyễn Thị Thanh và Trần Đăng Tú.

Chuyên gia TS. Nguyễn Hữu Lương trao giải Nhất cho đoàn viên Trương Văn Nhân và Nguyễn Thị Thanh Ngà.

2 giải Nhì đã được trao cho đoàn viên Lương Ngọc Thủy và Nguyễn Hùng Sơn

4 giải Ba đã được trao cho các đoàn viên Nguyễn Đức Khương Duy, Lê Minh Triết, Đỗ Hồng Hạnh và Phan Ngọc Quốc

Giới thiệu các sản phẩm đoạt giải

1 Ứng dụng ngôn ngữ lập trình Python để hiệu chỉnh (normalization) đường Gamma ray (GR) trong địa vật lý giếng khoan (đoàn viên Nguyễn Thị Thanh)  

Việc hiệu chỉnh (normalization) đường GR trong địa vật lý giếng khoan là rất cần thiết trước khi thực hiện minh giải và liên kết do các sai số về mặt kỹ thuật của thiết bị đo, ảnh hưởng của môi trường giếng lên giá trị đo, các loại thiết bị khác nhau hoặc do sai sót của người tiến hành đo ghi. Nếu không hiệu chỉnh thì việc liên kết giữa các giếng trong cùng khu vực sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, người minh giải hiện nay vẫn phải dùng các phần mềm chuyên ngành địa vật lý giếng khoan để hiệu chỉnh thủ công. Do đó, tác giả đã áp dụng ngôn ngữ lập trình Python để tạo công cụ hiệu chỉnh tự động đường gamma ray từ các tài liệu đo log của 9 giếng khoan trong khu vực mỏ Sư Tử Đen, Lô 15-1, bể Cửu Long. Kết quả cho thấy người minh giải có thể tiến hành hiệu chỉnh cho nhiều giếng khoan cùng lúc, thuận tiện hơn trong việc kiểm tra dữ liệu, phát hiện các giá trị dị thường với độ chính xác đạt trên 80%, đảm bảo tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian hơn so với phương pháp truyền thống và dễ dàng tích hợp công cụ đi kèm hoặc thành các bước chuẩn bị tài liệu cho những công việc với các nền tảng khác.   

2   Xây dựng công cụ dự báo sản lượng khai thác dầu sử dụng các thuật toán học sâu dựa trên cơ chế chú ý cho đối tượng móng nứt nẻ vòm Trung tâm, mỏ Bạch Hổ (đoàn viên Trần Đăng Tú)  

Đối tượng móng có đặc điểm địa chất phức tạp, do đó, người điều hành mỏ đã thực hiện nhiều các phương pháp nhằm duy trì sản lượng khai thác như bơm ép nước, các giải pháp địa kĩ thuật, khoan đan dày… với sự hỗ trợ từ các công cụ truyền thống như: mô phỏng số và phân tích đường cong suy giảm. Tuy nhiên, hiệu quả dự báo khai thác từ các phương pháp này vẫn tồn tại nhiều hạn chế và độ tin cậy chưa cao. Để khắc phục các nhược điểm này, tác giả đã xây dựng công cụ dự báo sử dụng các thuật toán học sâu dựa trên cơ chế chú ý. Kết quả ban đầu khi sử dụng 1 thuật toán dựa trên cơ chế chú ý cho sai số ~10,7%, dự báo sản lượng khai thác dầu dựa trên dữ liệu khai thác trong quá khứ với độ chính xác đạt trên 70%. Việc ứng dụng cơ chế chú ý để đánh trọng số của các dữ liệu đầu vào trước khi đưa vào mô hình học sâu để huấn luyện có thể giúp nâng cao khả năng dự báo và tác giá kì vọng khi thử nghiệm, tối ưu các thuật toán dựa trên cơ chế chú ý có thể cho sai số < 8%. 

3  Chỉ số hydrogen Việt Nam (VN’s Hydrogen Index) (đoàn viên Trương Văn Nhân ) 

Chỉ số hydrogen Việt Nam (Hydrogen Index) là chỉ số thể hiện khả năng thâm nhập thị trường hydrogen sạch ở Việt Nam. Chỉ số càng lớn thể hiện khả năng thâm nhập thị trường và mức độ phát triển của lĩnh vực hydrogen càng lớn. Đồng thời, cũng thể hiện so sánh khả năng thâm nhập giữa 2 loại hydrogen sạch (Blue và Green hydrogen) để thấy được loại nào được đánh giá tốt hơn tại thời điểm lựa chọn. Thông tin sản phẩm mang lại không chỉ liên quan đến chỉ số hydrogen Việt Nam mà còn một số thông tin cơ bản khác như về thị trường, các dự án hydrogen Việt Nam, LCOH… Sản phẩm này có thể sử dụng cho nhiều khách hàng khác nhau như để tư vấn cho khách hang, nắm bắt được tình hình phát triển lĩnh vực hydrogen sạch ở Việt Nam và hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư lựa chọn đúng loại hydrogen sạch 

4  Tối ưu hóa (trực quan dữ liệu) dữ liệu hiện có tại phòng thí nghiệm; dự đoán xu hướng các thông số thể hiện độ giàu vật chất hữu cơ và mức độ trưởng thành nhiệt (TOC, S2, Tmax, Ro) cho các độ sâu mong muốn (đoàn viên Nguyễn Thị Thanh Ngà)  

Giải pháp này hỗ trợ cho lĩnh vực thăm dò trong công tác tự động đọc và phân tích dữ liệu đầu vào; xử lý tự động dữ liệu thô (độ sâu và địa tầng; kết quả phân tích thạch học và các chỉ tiêu địa hóa); dự báo xu hướng các thông số thể hiện độ giàu vật chất hữu cơ và mức độ trưởng thành nhiệt; biểu diễn dữ liệu bằng biểu đồ và hình ảnh mô phỏng thể hiện các thông số cho giếng khoan. Sau khi được xử lý sơ bộ bằng excel, dữ liệu sẽ được xử lý chuyên sâu bằng Python– Jupyter note bằng các thư viện Pandas, Numpy cho việc nạp và xử lý dữ liệu; Pandas_profiling để phân tích khám phá dữ liệu (EDA- Exploratory Data Analysis); Matplotlib, Seaborn nhằm trực quan hóa dữ liệu; xây dựng mô hình dự đoán bằng phương pháp xây dựng mô hình machine learning bằng Scikit-learn, Tensorflow để dự báo kết quả cho khu vực không lấy mẫu phân tích hoặc mẫu bị nhiễm bẩn nặng. Việc phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm kết hợp việc sử dụng mô hình dự đoán để tăng tính chính xác và độ tin cậy trong dự đoán kết quả phân tích mẫu giếng khoan. Sản phẩm hiện đang được nghiên cứu cải thiện chức năng tự động hoá quá trình chọn lọc dữ liệu đầu vào và tối ưu hoá mô hình machine learning tăng độ tin cậy và giá trị sử dụng của mô hình. 

5  Bản đồ hóa các điểm dữ liệu (đoàn viên Trần Xuân Quý)  

Hiện nay, công tác phân tích, đánh giá động thái khai thác mỏ chủ yếu sử dụng bảng biểu và dạng hình vẽ đơn giản cho từng giếng khoan, do đó, việc xác định phân bố, xu hướng động thái khu vực gặp khó khăn. Sản phẩm này đã xây dựng được các bản đồ như bản đồ ngập nước (bản đồ độ bão hòa nước); bản đồ lưu lượng khai thác (dạng bọt). Trong thời gian tới, sản phẩm sẽ được bổ sung thêm các thông tin (lưu lượng nước, lưu lượng dầu), tích hợp bản đồ địa chất (fault, contour) để dễ theo dõi và quản lý cũng như nâng cao trải nghiệm người dùng với khả năng thao tác trực tiếp trên bản đồ. Bên cạnh đó, vị trí giếng khoan cũng sẽ tương ứng với vị trí bắt gặp tầng sản phẩm 

6  Xây dựng công cụ dự báo sự thay đổi về hiệu suất olefin nhẹ (S) ở quy mô phòng thí nghiệm trên cơ sở các thông số thay đổi về nhiệt độ, tỷ lệ C/O và tỷ lệ nguyên liệu sử dụng với độ chính xác khoảng 80% (đoàn viên Lương Ngọc Thủy)   

Khi thay đổi các thông số về nhiệt độ, tỷ lệ C/O, tỷ lệ nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm của quá trình cracking. Trong khi đó, phần mềm bản quyền FCC-SIM mô phỏng cho FCCU có chi phí cao, tiêu tốn tài nguyên cài đặt và vận hành. Do đó, tác giả xây dựng mô hình dự báo sự thay đổi về hiệu suất olefin nhẹ (S) ở quy mô phòng thí nghiệm thử nghiệm ứng dụng Python để tạo các thuật toán từ những dữ liệu đầu vào, kiểm tra các giá trị dị thường, ứng dụng các biểu đồ: heat map/biểu đồ cột… để đánh giá mối tương quan của các cặp thông số. Thông qua kết quả thử nghiệm trên mô hình Linear, Polynomial, randomForest, tác giả đã chọn mô hình Linear với kết quả huấn luyện khoảng 87%, kết quả mô hình test khoảng 78% để xây dựng mô hình các thông số (nhiệt độ, AR, CTO…) ảnh hưởng đến olefin. 

Việc áp dụng giải pháp này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí khi không phải thực hiện nhiều thí nghiệm, tiêu tốn nhiều vật tư/hóa chất bằng cách có thể kiểm tra trước kết quả bằng mô hình và chỉ cần chạy lại 1 vài điểm thí nghiệm để kiểm chứng. 

7  Rockphysics smart tool (đoàn viên Nguyễn Hùng Sơn) 

Rock Physics Template là một công cụ rất quan trọng trong lĩnh vực quản lý dầu khí và tìm kiếm khai thác. Nó được sử dụng để tính toán các tham số rock physics từ dữ liệu seismic và well log, giúp xác định chất lượng và tính đồng bộ của các khoáng vật dầu. Với dữ liệu input bao gồm các đường log thu được dưới giếng khoan, sản phẩm có các chức năng hiển thị trực quan các đường log, phân tích dữ liệu phục vụ cho kỹ sư địa vật lý. Từ dữ liệu input công cụ giúp kỹ sư địa vật lý xây dựng được mô hình rockphysics template, chức năng lựa chọn mô hình, lựa chọn tham số sau đó xuất ra đường log mô phỏng từ mô hình rockphysics giúp QC mô hình một cách dễ dàng 

8  Dashboard dữ liệu sản phẩm chủ lực Tập đoàn (đoàn viên Nguyễn Đức Khương Duy) 

Mô hình xác định danh mục sản phẩm chủ lực của Tập đoàn, mô tả những dữ liệu về thị trường, mức đầu tư và chi phí sản xuất sản phẩm,… từ những dữ liệu được thu thập từ những công ty tư vấn và các tổ chức chính phủ uy tín trên thế giới. Dữ liệu trong báo cáo định hướng được trình bày theo chiều dọc: thế giới-khu vực-Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định thị trường mục tiêu cho các sản phẩm mới và cả sản phẩm hiện hữu, hiện tại và tương lai đến 2050. Từ đó, xây dựng mô hình dữ liệu thích hợp cho nền tảng Power BI, trình bày dưới dạng dashboard dễ tương tác và mang lại những góc nhìn tổng thể nhằm xác định tiềm năng và khả năng phát triển của sản phẩm trong tương lai, giúp cho việc đưa ra quyết định kinh doanh nhanh chóng và dễ dàng hơn.  

9  Xây dựng công cụ dùng để dự báo các marker bị mất tại các giếng khoan từ đó xây dựng bộ marker cho khu vực (đoàn viên Lê Minh Triết) 

Từ những vấn đề bất cập trong việc minh giải tài liệu giếng khoan do thiếu các marker từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các bộ marker không có sự thống nhất chung giữa các lô, các bể và các nhà thầu. Qua đó, tác giả đã xây dựng công cụ để phục vụ cho quá trình minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan tốt hơn tại những giếng bị thiếu hoặc không có marker. Công cụ dự đoán dựa vào việc học máy từ những model xây dựng từ những bộ marker chuẩn theo đánh giá từ các chuyên gia. Qua những thuật toán Python và training model, công cụ sẽ được học và dự báo các marker bị thiếu tại các giếng lân cận với các giếng đã được học từ model. Với việc dự báo marker, công cụ sẽ giúp đỡ cho nhà minh giải địa vật lý giếng khoan xác định lại đúng các hệ tầng, các vỉa sản phẩm tùy theo mục đích. Dự báo marker bằng AI và ML sẽ là một sản phẩm cần thiết cho việc xây dựng một bộ marker chuẩn sau này. 

10  Công cụ xử lý dữ liệu sản phẩm xuất nhập khẩu hải quan với Power Query, PowerBI (đoàn viên Đỗ Hồng Hạnh) 

Nguồn dữ liệu thô của sản phẩm xuất nhập khẩu hải quan được lưu trữ dưới nhiều dữ liệu gốc với từng loại sản phẩm riêng, mặc dù có cùng quy trình xử lý song đang gây mất nhiều thời gian và nhân lực để xử lý, dữ liệu xử lý xong cần được tổng hợp lại, logic xử lý số liệu không thống nhất, có thể gây khó khăn khi bàn giao. 

Do đó, tác giả đã xây dựng sản phẩm dữ liệu bao gồm quy trình xử lý số liệu thống nhất và file xử lý số liệu, kết hợp Power Query để xử lý tất cả dữ liệu đầu vào của sản phẩm xuất nhập khẩu và visual trực quan với PowerBI. Sản phẩm hỗ trợ tăng tính minh bạch, dễ hiểu cho quy trình, cho phép xử lý nhiều dữ liệu thô, sản phẩm đầu vào, thống nhất logic xử lý dữ liệu, các bước xử lý được lưu lại, thuận tiện cho việc bàn giao nếu có. Trong thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo dạng template, hướng đến đa dạng hoá xử lý dữ liệu nếu có dữ liệu mới phát sinh, chỉnh sửa hoàn thiện logic xử lý để ngắn gọn, tối ưu. 

11  Trực quan hóa dữ liệu phân tích mẫu lõi và thạch học (đoàn viên Phan Ngọc Quốc) 

Việc tổng hợp dữ liệu phân tích và mối liên hệ của mẫu lõi và thạch học của đá chứa rất quan trọng cho việc đánh giá chất lượng tầng chứa của các vỉa chứa dầu khí. Tuy nhiên, các báo cáo phân tích mẫu lõi và thạch học thường trình bày riêng lẻ, thiếu liên kết. Do đó, giải pháp của tác giả là xây dựng một nền tảng có thể tổng hợp các kết quả phân tích này một cách trực quan và có tính liên kết với nhau, được trình bày theo cấu trúc cơ sở dữ liệu (CSDL). Đồng thời, từ bộ CSDL này kết hợp với dữ liệu Địa vật lý giếng khoan có thể đưa ra các mô hình dự đoán các tính chất vật lý thạch học còn thiếu như: độ thấm, độ bão hòa nước…Việc kết hợp các sản phẩm dữ liệu sẽ tối ưu hóa bộ dữ liệu phân tích mẫu lõi, thạch học hiện này tại Viện Dầu Khí Việt Nam.