Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 5/9/2023, giá xăng dầu bán lẻ tăng nhẹ, trong khi đó mặt hàng dầu mazut có diễn biến trái chiều.
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về kinh doanh xăng dầu, 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ lùi ngày điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 1/9/2023 sang 5/9/2023, tức là ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo trong kỳ điều hành ngày 1/9/2023 giá xăng bán lẻ có thể chỉ tăng nhẹ 152 – 178 đồng, lên mức 23.482 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.778 đồng/lít (RON 95). Trong khi đó, giá dầu diesel bán lẻ có thể tăng 322 đồng lên mức 22.672 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 207 đồng lên mức 22.507 đồng/lít. Ngược lại, dầu mazut có thể giảm 2,5% so với kỳ điều hành trước, tương ứng 446 đồng/lít về mức 17.534 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ điều hành này Cơ quan điều hành sẽ không trích chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục tăng do diễn biến giá trong nước đồng pha với giá xăng dầu thế giới và khu vực bởi diễn biến tích cực từ thị trường dầu thô. Mới đây, Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2024 lên 97 USD/thùng, tăng 8 USD/thùng so với dự báo trước đó, do lo ngại tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ chậm lại và tình trạng cắt giảm sản lượng kéo dài từ một số nhà sản xuất OPEC+.
Từ đầu tháng này, Saudi Arabia đã gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9/2023, đồng thời cho biết có thể kéo dài mức cắt giảm này. Liên bang Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Barclays dự báo mức thâm hụt nguồn cung ước đạt 670 nghìn thùng/ngày vào năm 2023 và 250 nghìn thùng/ngày vào năm 2024, đồng thời khuyến nghị nên mua ở mức giá 90 – 95 USD/thùng.
Tuy nhiên, Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2023 thêm 3 USD/thùng xuống còn 84 USD/thùng, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo giá triển vọng Quý IV/2023 ở mức 92 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10/2023 được giao dịch quanh mức 86 USD/thùng vào lúc 07:48 GMT ngày 30/8/2023.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc cắt giảm sản lượng, kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng, sẽ khiến tồn kho dầu toàn cầu giảm và gây áp lực tăng giá dầu cho đến cuối năm nay. Dữ liệu ngày 30/8/2023 của EIA cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ (USOILC=ECI) đã giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 422,9 triệu thùng.
EIA dự báo giá dầu Brent trung bình đạt 86 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023, 88 USD/thùng trong tháng 11 – 12/2023 và duy trì xung quanh mốc giá này trong Quý I/ 2024. Giá dầu thô có thể bắt đầu giảm từ Quý II/2024 do tăng trưởng nguồn cung, khiến giá dầu Brent trung bình năm 2024 chỉ đạt khoảng 86 USD/thùng.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 21/8/2023 giá xăng bán lẻ có thể tăng trên 400 đồng/lít, lên mức 23.229 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.425 đồng/lít (RON 95).
So với kỳ điều hành trước, mô hình dự báo giá bán lẻ dầu diesel kỳ này có thể giảm 62 đồng xuống mức 22.358 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 225 đồng lên mức 22.105 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 25 đồng, xuống mức 17.635 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ không trích chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 dự báo sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70% mức tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại chỉ còn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, khi quá trình chuyển dịch năng lượng tăng tốc.
Nguồn cung dầu toàn cầu giảm 910 nghìn thùng/ngày xuống 100,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023. Sản lượng của Saudi Arabia giảm mạnh trong tháng 7 đã khiến sản lượng của OPEC+ giảm 1,2 triệu thùng/ngày xuống 50,7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng ngoài OPEC+ tăng 310 nghìn thùng/ngày lên 50,2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 101,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
IEA dự báo trong năm 2024, sản lượng dầu ngoài OPEC+ sẽ “thống trị” tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu với mức tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng của OPEC+ có thể chỉ tăng thêm 160 nghìn thùng/ngày.
Công suất lọc dầu toàn cầu dự kiến đạt 83,9 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2023, tăng 2,4 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023 và cao hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dầu của Liên bang Nga giữ ổn định ở mức 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ giảm so với tháng trước nhưng vẫn chiếm 80% các lô hàng xuất khẩu của Nga. Giá dầu tăng cao hơn đã giúp doanh thu xuất khẩu của Nga tăng 2,5 tỷ USD lên 15,3 tỷ USD, tuy nhiên vẫn thấp hơn 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Dự trữ dầu thô giảm tháng thứ 3 liên tiếp, trong đó dự trữ của OECD thấp hơn 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Cân bằng thị trường được thiết lập khi Saudi Arabia và Liên bang Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung ít nhất là đến tháng 9/2023.
IEA ước tính công suất dự phòng của OPEC+ là 5,7 triệu thùng/ngày, có khả năng tăng sản lượng vào cuối năm. Nếu các mục tiêu hiện tại của OPEC+ được duy trì, tồn kho dầu toàn cầu có thể giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong Quý III/2023 và 1,2 triệu thùng/ngày trong Quý IV/2024, tiềm ẩn rủi ro đẩy giá dầu lên cao hơn.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/8/2023, giá xăng giảm nhẹ trong khi đó giá dầu (diesel, dầu hỏa, dầu mazut) bán lẻ có thể tăng trên 6%.

Dự báo giá bán lẻ dầu diesel kỳ điều chỉnh ngày 11/8/2023
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/8/2023 giá xăng bán lẻ có thể chỉ giảm nhẹ 47 – 77 đồng, về mức 22.713 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.913 đồng/lít (RON 95). Ở chiều ngược lại, giá dầu bán lẻ trong nước có xu hướng tăng mạnh từ 6 – 7,7%, cụ thể giá dầu diesel có thể tăng 1.233 đồng lên mức 21.843 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 1.207 đồng lên mức 21.477 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng đến 7,7% so với kỳ điều hành trước, tương ứng 1.270 đồng/lít lên 17.800 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ chỉ chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel khoảng 300 đồng.
Từ ngày 2 – 8/8/2023, giá xăng trung bình tại thị trường Singapore đạt 99,167 USD/thùng (xăng RON 92) và 104,787 USD/thùng (xăng RON 95). So với kỳ điều hành trước, giá xăng RON 92 và RON 95 giảm nhẹ chỉ khoảng 0,5 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu trên thị trường Singapore tăng mạnh so với chu kỳ trước, trong đó giá dầu diesel tăng 7,277 USD/thùng lên 115,993 USD/thùng, dầu hỏa tăng 6,984 USD/thùng lên 113,01 USD/thùng, dầu mazut tăng 56,869 USD/tấn lên 558,12 USD/tấn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc Saudi Arabia tự nguyện kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng và nhu cầu dầu ngày càng tăng sẽ gây áp lực tăng giá dầu trong những tháng tới. EIA dự báo sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu tăng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Giá dầu Brent trung bình đạt 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay và đạt trung bình 88 USD/thùng vào tháng 11 – 12/2023.
Sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 được EIA dự báo tăng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, trong đó 1,2 triệu thùng/ngày đến từ các quốc gia ngoài OPEC dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Na Uy. Mặc dù áp dụng các biện pháp cắt giảm sản lượng kéo dài đến năm 2024, sản lượng dầu của OPEC có thể sẽ tăng trong năm 2024 với mức trung bình là 0,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng sẽ tạo ra áp lực giảm giá dầu từ Quý II/2024 và EIA dự báo giá dầu Brent trung bình chỉ đạt 86 USD/thùng trong năm 2024.
EIA kỳ vọng sản lượng khai thác trung bình của Liên bang Nga trong năm nay sẽ giảm từ 0,2 triệu đến 0,3 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2024. Sản lượng của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil được dự báo sẽ tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2022 – 2024. Các quốc gia khác cũng có tăng trưởng sản lượng đáng kể trong năm 2024 như Canada, Guyana và Na Uy.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm 2023 ở chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước, về đích trước kế hoạch 5 tháng.

Giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng
Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước 7 tháng đầu năm nay đều cho thấy khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và xấu hơn rất nhiều so với những dự báo đưa ra từ đầu năm. Tăng trưởng toàn cầu thấp; cầu tiêu dùng yếu; hàng rào bảo hộ gia tăng; thị trường tài chính có nhiều biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng ở nhiều quốc gia; xuất hiện những thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn kinh tế; thị trường năng lượng nhiều biến động, giá và sức cầu đều diễn biến tiêu cực do sức ép từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu kém. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho nền kinh tế, giữ vững mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.
Là tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được Chính phủ giao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị điều hành theo phương châm “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”, Petrovietnam đã đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, hiệu quả cao. Các chỉ tiêu sản xuất trong 7 tháng đầu năm đều vượt kế hoạch và ở mức cao, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu…
Đặc biệt, Petrovietnam hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính, trong đó chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước tháng 7/2023 đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch tháng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đã nộp ngân sách Nhà nước 78,31 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 7 tháng và đạt 100,02% kế hoạch năm 2023, về đích trước kế hoạch năm 5 tháng.
Ngày 31/7/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh.

TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh
Nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại VPI vào ngày 27/4/2023 với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý; ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long”.
Kết quả nghiên cứu của Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trong các thành tạo trầm tích sông – hồ dựa trên cách tiếp cận địa tầng phân tập 2 miền hệ thống phủ chồng cao (HAST) và miền hệ thống phủ chồng thấp (LAST). Hệ phương pháp nghiên cứu được tác giả đề xuất đã bước đầu cho phép nhận diện và xác định bẫy phi cấu tạo trong các tập trầm tích Oligocene – Miocene sớm tại Lô 09-1, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bồn trũng Cửu Long.
Thay mặt cơ sở đào tạo, TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI đã trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh. Lãnh đạo VPI đánh giá cao phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo áp dụng cho Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long do Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh đề xuất là nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. Lãnh đạo VPI chúc TS. Nguyễn Lâm Anh tiếp tục phát huy kết quả nghiên cứu đạt được để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chúc mừng Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” có thêm 1 nhà khoa học được cấp bằng Tiến sĩ, chúc mừng VPI là cơ sở đào tạo uy tín, có đủ năng lực và kinh nghiệm, góp phần lan tỏa tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong ngành Dầu khí.
Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Vietsovpetro, VPI, sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng nghiệp và gia đình đã tạo điều kiện để có thể hoàn thành nghiên cứu này; đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học, để xứng đáng là sản phẩm đào tạo của VPI và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 1/8/2023 giá xăng trong nước có thể tăng gần 5% khiến giá xăng RON 95 dự báo tăng 1.033 đồng/lít lên mức 23.825 đồng/lít.

Diễn biến giá xăng RON 95 trong nước và dự báo giá ngày 1/8/2023
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 989 đồng/lít lên mức 22.628 đồng/lít, xăng RON 95 có thể tăng 1.033 đồng/lít lên mức 23.825 đồng/lít. Mô hình này cũng dự báo giá dầu diesel có thể tăng 1.395 đồng/lít lên mức 20.895 đồng; dầu hỏa có thể tăng 1.132 đồng/lít lên mức 20.321 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng 845 đồng/lít lên 16.570 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Diễn biến giá dầu diesel trong nước và dự báo giá ngày 1/8/2023
Từ ngày 24 – 26/7/2023, giá xăng trung bình tại thị trường Singapore đạt 99,12 USD/thùng (xăng RON 92) và 104,8 USD/thùng (xăng RON 95). So với kỳ điều hành trước, giá xăng RON 92 đã tăng 6 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 tăng 5,88 USD/thùng. Tương tự, giá dầu diesel cũng tăng 7,37 USD/thùng, dầu hỏa tăng 7,032 USD/thùng, dầu mazut tăng 7,032 USD/tấn.
Giá dầu thế giới chốt phiên giao dịch ngày 28/7/2023 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 và có tuần thứ 5 tăng liên tiếp do kỳ vọng việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ giúp giữ giá “vàng đen” ổn định. Giá cả 2 loại dầu chủ chốt là Brent và WTI đều tăng gần 5% trong tuần này và tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 7/2023 đến nay.
Giá dầu thô, giá sản phẩm lọc dầu thế giới/khu vực đi lên khá vững chắc bởi một loạt các thông tin tích cực từ thị trường tài chính – kinh tế cũng như từ thị trường dầu thô/sản phẩm. GDP của Mỹ trong Quý II/2023 dự kiến đạt 2,4%, cao hơn so với mức 2,0% trong Quý I/2023 và tăng cao hơn so với mức dự báo 1,8% trước đó. Pháp và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 4 của châu Âu, tăng trưởng tốt hơn trong Quý II/2023 với GDP của Pháp tăng hơn kỳ vọng và ở mức 0,5% và GDP của Tây Ban Nha tăng 0,4%.
Tồn kho xăng dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/7/2023 theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) giảm so với tuần trước đó do nhập khẩu giảm. Tồn kho dầu thô Mỹ trong tuần vừa qua giảm 600.000 thùng xuống mức 456,8 triệu thùng, thấp hơn so với dự báo giảm 2,35 triệu thùng của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters.
Ngày 24/7/2023, Cơ quan Hoạch định Kinh tế Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp để hỗ trợ đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng mới, cơ sở sản xuất tiên tiến và nông nghiệp hiện đại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức 102,1 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được IEA dự báo sẽ chậm lại còn 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng/ngày, do sản lượng của các nước ngoài OPEC+ tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày. Trong năm 2024, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục mới là 102,8 triệu thùng/ngày.
Xuất khẩu dầu của Liên bang Nga đã giảm 600 nghìn thùng/ngày xuống mức 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow ước tính giảm 1,5 tỷ USD xuống 11,8 tỷ USD, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thêm 500 nghìn thùng/ngày từ tháng 8/2023, song có thể giữ sản lượng ổn định do nhu cầu dầu trong nước tăng theo mùa.
Ngày 12/7/2023, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”, mã số ĐTĐL.CN-28/19 do TS. Nguyễn Minh Quý làm chủ nhiệm, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) chủ trì thực hiện.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”.
Nhóm tác giả đã nghiên cứu khảo sát hiện trạng công trình biển tại khu vực thử nghiệm; thiết kế và cải hoán hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ thử nghiệm. Hệ thống thiết bị được thực hiện chạy thử, nghiệm thu đáp ứng các tiêu chí an toàn , chất lượng và tương thích với hệ thống sẵn có với các thông số: Áp suất làm việc tới 500 atm; công suất làm việc lên tới 5.024 thùng/ngày; không tương tác với hóa phẩm, nước bơm ép và chịu được ăn mòn.
VPI đã phối hợp với Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” thực hiện bơm ép toàn bộ 100 tấn hóa phẩm VPI SP vào giếng 1609/BK16 an toàn và hiệu quả, sau đó giếng được đưa trở lại làm việc và duy trì chế độ làm việc ban đầu; xây dựng kế hoạch, theo dõi chỉ số làm việc giếng, lấy mẫu chất lưu tại khu vực thử nghiệm định kỳ và thực hiện phân tích nhằm đánh giá tính chất và hiệu quả tương tác của hóa phẩm giúp tăng cường thu hồi dầu…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao các kết quả đã đạt được của Đề tài, đặc biệt là kết quả thử nghiệm công nghiệp hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP tại giếng 1609/BK16 mỏ Bạch Hổ. Kết quả tính toán sơ bộ sau 6 tháng kể từ khi sử dụng hoá phẩm VPI SP cho thấy giải pháp này mang lại hiệu quả tích cực.
Động thái khai thác các giếng trong khu vực thử nghiệm cho thấy hệ hóa phẩm vẫn đang tiếp tục có hiệu ứng tích cực, giúp gia tăng thu hồi dầu trong thời gian tới (dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm). Nhóm nghiên cứu của VPI đã xây dựng phương án công nghệ, đánh giá hiệu quả kinh tế khi áp dụng hệ hóa phẩm VPI SP cho đối tượng Miocene trên phạm vi toàn mỏ Bạch Hổ, đồng thời đề xuất cơ chế ưu đãi khuyến khích áp dụng các giải pháp IOR/EOR, xem xét áp dụng công nghệ bơm ép hóa phẩm VPI SP với quy mô lớn (toàn mỏ) hoặc các khu vực, đối tượng tiềm năng nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, có thể mở rộng phạm vi ứng dụng giải pháp công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu bằng hóa phẩm VPI SP do VPI nghiên cứu và phát triểncho các đối tượng khai thác trong mỏ Bạch Hổ cũng như các mỏ dầu khí đang khai thác tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Nghiên cứu này càng có ý nghĩa khi các mỏ dầu ngoài khơi có điều kiện nhiệt độ và áp suất vỉa cao, tính chất phức tạp về cấu trúc địa chất, mức độ bất đồng nhất của vỉa chứa, hàm lượng khoáng hóa trong nước vỉa cao… trong khi các sản phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu trên thế giới chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc số ít sản phẩm có thể sử dụng được nhưng lại có giá thành cao.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Trần Đình Kiên cho biết Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu. Đây là đề tài mang tính ứng dụng và thực tiễn cao, Hội đồng kiến nghị VPI tiếp tục phát huy, hoàn thiện kết quả thương mại hóa công nghệ sản phẩm và nhất trí nghiệm thu đề tài đạt các yêu cầu đề ra.
Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức đại diện đơn vị chủ trì cảm ơn các ý kiến góp ý của Hội đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho nhóm tác giả trong quá trình triển khai nghiên cứu này. Đây là nghiên cứu đầu tiên VPI thực hiện theo 1 chu trình khép kín từ phòng thí nghiệm, sản xuất hóa phẩm ở quy mô pilot và ứng dụng thử nghiệm thực tế, với mục tiêu thu được tài nguyên của đất nước hiệu quả hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng. Dựa trên kết quả đã thu được, VPI và Vietsovpetro đang tích cực trao đổi và nghiên cứu nhằm mở rộng quy mô áp dụng cho đối tượng Miocene toàn mỏ Bạch Hổ và đối tượng tiềm năng khác.
“Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long” là đề tài thứ 3 trong Cụm nhiệm vụ cấp Quốc gia Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho VPI chủ trì thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ đề tài này đã giúp VPI giành giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2022 với cụm công trình “Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.
Ngày 5/7/2023, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp với Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) về tình hình triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.
Tại cuộc họp, Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức đã báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được Tập đoàn giao tại Thông báo kết luận số 4141/TB-DKVN ngày 25/7/2022; đề xuất các giải pháp và kiến nghị để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2023.

Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức báo cáo tại cuộc họp
Cụ thể trong thời gian qua, VPI đã nghiên cứu, xem xét ứng dụng công nghệ mới và các giải pháp kỹ thuật mới, phương pháp mới (như hợp nhất tài liệu địa chất 3D của bể Cửu Long, bẫy phi cấu tạo, nghịch đảo địa chấn, từ trọng lực, ứng dụng ML/AI…); xem xét, đánh giá giải pháp nâng cao hệ số thu hồi cho các mỏ hiện có nhằm duy trì sản lượng khai thác dầu ổn định (đã thử nghiệm thành công bơm ép hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP cho đối tượng Miocene dưới mỏ Bạch Hổ; đánh giá khả năng mở rộng phạm vi áp dụng các giải pháp EOR/IOR); nghiên cứu áp dụng xu hướng phát triển mỏ với việc tối ưu cơ cấu chi phí CAPEX, OPEX để có thể rút ngắn thủ tục (đã xây dựng bộ hướng dẫn lập dự toán trong khâu đầu, đang đánh giá tính khả thi của việc xây dựng định mức trong thăm dò, phát triển và thu dọn mỏ).
Đồng thời, VPI tập trung nghiên cứu giải pháp quản trị để giữ sản lượng và gia tăng sản lượng kết hợp tính toán phương án đầu tư phù hợp cho công tác khoan thăm dò tại các khu vực truyền thống; ứng dụng học sâu (U-FNO) để mô phỏng mô hình khai thác, tối ưu hiệu quả dự án Lô B; nghiên cứu các giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu tiên tiến trong thu hồi dầu tăng cường EOR/IOR (nghiên cứu phương án khai thác thân dầu móng dưới áp suất bão hòa).
Bên cạnh đó, VPI cũng tập trung đánh giá cơ hội thay đổi mô hình kinh doanh, cơ hội phát triển cho sản phẩm dịch vụ theo xu hướng phát triển kinh tế xanh (sản phẩm hàng hóa/dịch vụ chủ lực, điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, ammonia xanh…); xây dựng chương trình tổng thể, đánh giá cơ hội tham gia của Petrovietnam trong đề án sử dụng và chôn lấp/cất giữ CO2 (đã hợp tác với JOGMEC đánh giá chi tiết tiềm năng cất giữ CO2 tại bể Sông Hồng, Cửu Long; hợp tác tổ chức các hội thảo quốc tế về: (i) khung pháp lý CCUS, (ii) về CCS, (iii) công nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, (iv) nguồn phát thải và tiềm năng cất giữ CO2).

Petrovietnam làm việc với VPI về tình hình triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023
VPI cho biết đã hợp tác sản xuất thử nghiệm phân bón nhả chậm và ứng dụng CNT/graphene; thử nghiệm liên kết 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đồng thời đang tập trung nghiên cứu mô hình quản lý chuỗi liên kết trong Tập đoàn, trên cơ sở tối ưu việc sử dụng các tài sản, hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong doanh nghiệp (thử nghiệm với 4 công ty khởi nguồn công nghệ mới về địa chất, điện gió ngoài khơi, ứng dụng graphene). VPI thực hiện vai trò tư vấn, hỗ trợ trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo và cập nhật thông tin thị trường hàng ngày; đề xuất giải pháp tháo gỡ các dự án khó khăn và triển khai các dự án mới.
Theo Viện trưởng Nguyễn Anh Đức, với định hướng hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, VPI đang ứng dụng các công cụ/nền tảng hàng đầu để cộng tác sáng tạo sản phẩm số; xây dựng nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý (thấu hiểu doanh nghiệp, chuyên gia, phân tích dữ liệu, thí nghiệm) và 6 nhóm chuyên sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm gồm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh… Trên cơ sở đó, VPI kiến nghị Tập đoàn sớm phê duyệt Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, chiến lược phát triển đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 của VPI; Mô hình tổ chức hoạt động của VPI; đồng thời phê duyệt và triển khai chương trình nghiên cứu khoa học 2021 – 2025.
Theo ông Bùi Minh Tiến – Thành viên HĐTV Petrovietnam, VPI dù hoạt động theo mô hình nào thì nhiệm vụ chính là hỗ trợ Petrovietnam trong việc cập nhật các cơ hội phát triển, rà soát chiến lược, tư vấn, đề xuất các giải pháp để tạo ra động lực tăng trưởng, sự phát triển bền vững cho toàn Tập đoàn.

Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến phát biểu tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao VPI trong việc triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Tập đoàn giao thông qua chỉ đạo, kết luận trong các cuộc họp cũng như trong quá trình quản trị, điều hành. Tổng giám đốc nhấn mạnh: Nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ người lao động dầu khí; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển, với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia. Với vai trò như vậy, vị thế và vị trí của VPI trong hệ sinh thái của Petrovietnam phải được củng cố và nâng cao, gắn bó mật thiết với hoạt động quản trị, điều hành của Tập đoàn.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tổng giám đốc Petrovietnam giao VPI phối hợp với Ban Kinh tế Đầu tư trong quá trình làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, từ đó, giúp Petrovietnam cập nhật chiến lược phát triển mới với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia; tiếp tục đánh giá và dự báo dịch chuyển mô hình kinh doanh của Petrovietnam sau khi cập nhật chiến lược và chuyển đổi số.
VPI phối hợp với các Ban chuyên môn xây dựng Báo cáo ESG cho Petrovietnam, đồng bộ với chiến lược và lộ trình chuyển dịch năng lượng, làm cơ sở thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư của Petrovietnam; xây dựng chiến lược hydrogen và ammonia xanh của Petrovietnam; cập nhật chiến lược phát triển lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu, đặc biệt là dự báo và cân đối lộ trình về nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu làm cơ sở xác định hướng dịch chuyển cho khâu sau; thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cập nhật sự thay đổi về công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động chính của Petrovietnam; thẩm định Kế hoạch quản trị của Petrovietnam, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, xây dựng mô hình kinh tế cho các dự án khó khăn yếu kém.

Đại diện các Ban chuyên môn: Ban Khai thác Dầu khí, Ban Kinh tế – Đầu tư, Ban Tài chính, Ban Công nghệ – An toàn và Môi trường, Ban Pháp chế Kiểm tra và Ban Công nghệ – Lọc hóa dầu phát biểu tại cuộc họp
Tổng giám đốc Petrovietnam đặc biệt đánh giá cao việc ứng dụng các mô hình về tư duy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các nhóm hạt nhân để bắt đầu hình thành mô hình khởi nghiệp trong VPI. Việc thí điểm start-up trong doanh nghiệp sẽ được nhân rộng trong toàn Tập đoàn, trước mắt thí điểm tại 2 đơn vị PVCFC và BSR. VPI cần đề xuất phương án hợp tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; rà soát đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong ngành Dầu khí, để đề xuất áp dụng cơ chế chính sách riêng đối với nhân sự có trình độ cao.
Về các kiến nghị của VPI, Tổng giám đốc Petrovietnam chỉ đạo Ban liên quan khẩn trương rà soát, trình lãnh đạo phê duyệt Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chiến lược phát triển của VPI đồng bộ với Chiến lược phát triển của Petrovietnam; nghiên cứu kỹ lưỡng và cập nhật mô hình hoạt động, mô hình tổ chức và mô hình quản trị của VPI với mục tiêu phục vụ cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Tổng giám đốc Petrovietnam gợi ý mô hình VPI nằm trong Công ty mẹ song cần liên kết chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu trong toàn hệ sinh thái của Tập đoàn, có sự phân công phối hợp với các đơn vị thông qua quy chế người đại diện, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực. VPI cần cập nhật các mô hình viện nghiên cứu trong các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, từ đó xác định rõ mục tiêu và cập nhật lại chiến lược phát triển.
Nhấn mạnh nhiệm vụ chính của VPI là phục vụ mục tiêu phát triển của Petrovietnam, tạo động lực để Tập đoàn phát triển ổn định và tăng trưởng bền vững, Tổng giám đốc yêu cầu các Ban chuyên môn chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ các thủ tục để VPI hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Từ ngày 1 – 20/7/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) sẽ xét tuyển 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 3 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).
Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).
Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: (1) Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ hàng tháng theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; (2) Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc – kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; Ứng dụng AI, ML trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác (Ứng dụng AI, ML phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; Ứng dụng AI, ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí); Nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; Các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi (Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, tàng trữ và giám sát quá trình tàng trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; Nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chấn (địa chấn địa tầng, thuộc tính địa chấn, …) để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể); Lưu giữ khí hydrogen/CO2 trong môi trường lỗ hổng: lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; Ứng dụng khoa học dữ liệu trong phân tích và mô tả địa kỹ thuật lòng đất vùng gần bờ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của PVN và đề xuất mô hình phù hợp để tích hợp chuỗi giá trị CCS vào chuỗi hoạt động của PVN; Phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa CO2 và khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydro, nhiên liệu và hóa chất; Nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; Phát triển công nghệ tổng hợp vật liệu than ống kích thước nano (CNT) từ nguồn khí giàu methane sử dụng công nghệ CVD và xúc tác kim loại dạng bản mỏng; Phát triển chuỗi giá trị hydro xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm.
Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2023: Chi tiết tại đây.
Mẫu Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh: Chi tiết tại đây.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 21/6/2023, giá xăng dầu trong nước có thể biến động tăng nhẹ trong khoảng 0 – 200 đồng/lít.
Diễn biến giá xăng RON95 trong nước và dự báo giá ngày 21/6/2023.
Diễn biến giá xăng E5RON92 trong nước và dự báo giá ngày 21/6/2023.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo trong kỳ điều hành ngày 21/6/2023 giá bán lẻ xăng RON95 có thể tăng 197 đồng/lít lên mức 22.010 đồng/lít, trong khi đó giá xăng E5 được dự báo chỉ tăng 5 đồng/lít và có thể cơ quan điều hành giá sẽ được giữ nguyên ở mức 20.870 đồng/lít như kỳ trước.
Đối với dầu diesel, mô hình dự báo có thể tăng 169 đồng/lít so với kỳ điều hành trước lên mức 18.189 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 205 đồng/lít lên mức 18.025 đồng/lít; dầu mazut có thể giảm 27 đồng/lít xuống còn 14.683 đồng/kg. Đồng thời, mô hình của VPI cũng dự báo các nhà điều hành có thể trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng 300 đồng/lít đối với các mặt hàng.
Diễn biến giá dầu diesel trong nước và dự báo giá ngày 21/6/2023.
Trong kỳ điều hành này, giá sản phẩm dầu trên thị trường Singapore theo định giá của Platts (tính đến sáng ngày 19/6) tăng nhẹ khoảng 1% so với trung bình giá của kỳ điều hành ngày 12/6/2023. Giá sản phẩm không có sự bất thường với xu hướng tương quan chặt chẽ với giá các loại dầu thô chủ chốt như Brent, WTI.
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 19/6/2023, giá dầu Brent giảm 68 cent được giao dịch ở mức 75,93 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 59 cent giao dịch ở mức 71,19 USD/thùng. Giá dầu thô toàn cầu giảm do quan ngại về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc bất chấp tác động từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng từ tuần trước và số lượng giàn khoan dầu khí hoạt động ở Mỹ sụt giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 thêm 2,4 triệu thùng/ngày, lên mức cao kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 860.000 thùng/ngày vào năm 2024 do tăng trưởng kinh tế dự báo không thuận lợi. Nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo tăng nhẹ ở mức 101,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong cuộc họp OPEC+ diễn ra ngày 4/6/2023, Saudi Arabia đã cam kết giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023 và là sản lượng thấp nhất trong 2 năm gần đây. OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong năm 2024. IEA dự báo quyết định này có thể dẫn đến thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ trong năm 2024, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2024.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 2,1% trong năm 2023 và 2,4% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của năm 2022. Wood Mackenzie điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2023 từ 84,7 USD/thùng xuống còn 84,3 USD/thùng. Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu cuối năm 2023 giảm gần 10%, trong đó giá dầu Brent trung bình đạt 86 USD/thùng và giá dầu WTI trung bình đạt 81 USD/thùng vào tháng 12/2023.
JPMorgan cũng hạ dự báo giá dầu trong năm 2023 với giá dầu Brent giảm từ 90 USD/thùng xuống 81 USD/thùng và giá dầu WTI giảm từ 84 USD/thùng xuống 76 USD/thùng. Trong năm 2024, JPMorgan giảm dự báo giá dầu Brent từ 98 USD/thùng xuống 83 USD/thùng và giá dầu WTI từ 94 USD/thùng xuống 79 USD/thùng.
Theo nhận định của các chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam, trong vài tuần tới, giá dầu tiếp tục biến động khi dữ liệu về lạm phát và điều chỉnh lãi suất được công bố. Trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay và Bộ Năng lượng Mỹ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua dầu bổ sung cho Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, có thể khiến đảo ngược đà giảm của giá dầu. Theo đó, các chuyên gia VPI dự báo giá dầu Brent trong năm 2023 sẽ được giao dịch ở mức trung bình 82 USD/thùng.