VPI tập trung xây dựng và vận hành hệ sinh thái sáng tạo

Song song với việc chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đang tập trung xây dựng và vận hành hệ sinh thái sáng tạo, làm tiền đề cho hệ sinh thái sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam, chú trọng thử nghiệm và triển khai thực nghiệm công nghệ thế giới giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế…

Năm 2021, xu hướng chuyển dịch năng lượng gốc khoáng sang năng lượng tái tạo ngày càng trở nên mạnh mẽ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất) sẽ mang đến cơ hội và thách thức lớn đối với VPI khi phải cạnh tranh quyết liệt về công nghệ, tri thức và chất lượng nguồn nhân lực.

VPI cho biết đã và đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: “Nghiên cứu toàn diện địa chấn – vật lý thạch học các đặc tính vỉa chứa bể Nam Côn Sơn nhằm nâng cao kết quả tìm kiếm thăm dò – khai thác dầu khí với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo và máy học”; “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí khu vực phía Bắc bể Sông Hồng và đề xuất phương án tìm kiếm thăm dò tiếp theo”; “Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đặc trưng vật lý thạch học và độ khoáng hóa nước vỉa của đá chứa ở bể trầm tích Cửu Long, phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu các lô dầu khí mở phục vụ công tác kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò tại Việt Nam”.
Đồng thời, VPI chủ động thực hiện nghiên cứu: “Nguồn gốc hydrocarbon phát hiện tại khu vực Lô 114 bể Sông Hồng”; “Minh giải địa chấn khu vực trung tâm bể Sông Hồng tập trung vào đối tượng trầm tích Miocen trên – Pliocen phục vụ cho thăm dò, đánh giá tiềm năng dầu khí”; “Tổng hợp, hệ thống hóa và đánh giá các kết quả nghiên cứu tiềm năng dầu khí đã thực hiện ở bể Sông Hồng”; “Nghiên cứu đặc điểm môi trường và dự báo chất lượng đá chứa trầm tích Neogen khu vực trung tâm bể Sông Hồng trên cơ sở phân tích tổng hợp tài liệu địa chất – địa vật lý”…
Về chương trình xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao kết hợp hóa dầu từ dầu thô, VPI đang triển khai nghiên cứu: “Sản xuất olefin nhẹ cho hoá dầu trực tiếp từ dầu thô và các phân đoạn cặn bằng xúc tác FCC đa mao quản dựa trên cracking sâu”; “Phát triển và ứng dụng mô hình LP để tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ các cấu tử trung gian và sản phẩm lọc dầu của các nhà máy lọc dầu có phần vốn góp của PVN”; “Xác định các sản phẩm hóa dầu tiềm năng có thể phát triển từ dầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy lọc dầu có phần góp vốn của PVN”; “Phát triển công nghệ sản xuất vật liệu carbon nanotubes (CNT) từ nguồn khí thiên nhiên giàu CO2”.

VPI cũng chủ động thực hiện các nhiệm vụ: “Nghiên cứu chế tạo hệ lớp phủ chứa graphene phù hợp chống ăn mòn cho đường ống và các công trình trong ngành Dầu khí”; “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu carbon nano (CNTs, graphene) sử dụng làm phụ gia cho phân bón tan chậm có kiểm soát”; “Nghiên cứu tổng hợp syngas phục vụ việc sản xuất nhiên liệu sạch từ khí tự nhiên giàu CO2 sử dụng lò phản ứng có cấu trúc micro”; “Nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sạch từ khí tổng hợp sử dụng lò phản ứng có cấu trúc micro”.

Trong lĩnh vực năng lượng thay thế, VPI chủ động thực hiện: “Nghiên cứu chuỗi giá trị cung ứng điện gió ngoài khơi và tiêu chuẩn dữ liệu địa kỹ thuật/địa vật lý, hải dương học phục vụ các công trình ngoài khơi, tìm kiếm cơ hội cho ngành Dầu khí và VPI”; “Phương pháp đo địa vật lý, địa kỹ thuật phục vụ công trình điện gió ngoài khơi”; “Khảo sát công nghệ và xu hướng công nghệ sản xuất hydrogen từ rác thải nhựa và/hoặc sinh khối, và đánh giá khả năng áp dụng ở Việt Nam”; “Khảo sát công nghệ và xu hướng công nghệ sản xuất hydrogen từ nguồn tái tạo và đánh giá khả năng áp dụng ở Việt Nam”.

VPI cho biết sẽ tiếp tục dành 70% nguồn lực để triển khai công tác nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị; sản xuất, kinh doanh hóa chất/thiết bị dầu khí, anode và phát triển sản phẩm thương mại. Đồng thời, VPI sẽ dành 20% nguồn lực để hoàn thiện mô hình hoạt động, hệ thống quản trị; thu hút chuyên gia, đào tạo chuyên sâu; tổng hợp và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu (VPInsights); chủ động triển khai các chương trình dài hạn.

VPI cũng ưu tiên 10% nguồn lực để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra nước ngoài; xây dựng và vận hành thử mô hình sàn khoa học công nghệ; triển khai chương trình dài hạn về năng lượng thay thế. VPI cho biết đang xây dựng và vận hành hệ sinh thái sáng tạo, làm tiền đề cho hệ sinh thái sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam, chú trọng thử nghiệm và triển khai thực nghiệm công nghệ thế giới giúp PVN và các đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.