Ngày 16/12/2020, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) do đồng chí Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV dẫn đầu đã có buổi làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghe VPI giới thiệu về kết quả triển khai công tác nghiên cứu chế tạo sản phẩm thương mại.
TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI đã báo cáo với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kết quả hoạt động của VPI trong giai đoạn 2007 – 2020, kế hoạch năm 2021, các công trình nghiên cứu/sản phẩm dịch vụ tiêu biểu: Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; Tiềm năng dầu khí phi truyền thống (gas hydrate, khí đá phiến sét, CBM…); ODP, FDP, vị trí giếng khoan; Hỗ trợ tăng cường/quản lý khai thác các mỏ trong nước và nước ngoài; Các giải pháp tăng cường thu hồi dầu, nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy chế biến dầu khí (nguyên liệu, xúc tác, nâng công suất, nâng cấp/đa dạng hóa sản phẩm)…
Trong giai đoạn 2021 – 2025, VPI tập trung nghiên cứu/triển khai các giải pháp giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo công nghệ. Cụ thể, VPI đặt mục tiêu triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới (chuyển đổi năng lượng, kinh tế số); Tư vấn xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về ứng dụng khoa học công nghệ, VPI tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam. Số lượng hợp đồng ký mới tăng trung bình 10%/năm; ngoài ngành và nước ngoài tăng trưởng 20%/năm; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 05 công nghệ mới trên thế giới; thương mại hóa tối thiểu 03 sản phẩm khoa học công nghệ; lợi ích mang lại từ phát triển và ứng dụng công nghệ tăng gấp 2 lần so với đầu tư.
Trên cơ sở phân tích các cơ hội (xu hướng chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, toàn cầu hóa) và thách thức (mô hình hoạt động, hành lang pháp lý chưa rõ ràng), Viện trưởng Nguyễn Anh Đức cho biết: VPI sẽ tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, phát triển sản phẩm thương mại; tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra nước ngoài; triển khai và phát triển Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam (VPInsights)… VPI đề xuất, kiến nghị Tập đoàn sớm phê duyệt chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn giai đoạn 2021 – 2025 và lộ trình công nghệ của các đơn vị thành viên, đồng thời tháo gỡ các khó khăn cho VPI trong công tác đầu tư…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của VPI, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ hàng đầu của VPI là phục vụ cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn, trong đó chú trọng công tác tư vấn xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch/kế hoạch phát triển cho Tập đoàn; xây dựng cơ sở dữ liệu/thông tin đầy đủ cho ngành Dầu khí vì “chỉ có thể quản lý tốt nếu có cơ sở dữ liệu tốt”.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ; nghiên cứu xác định mô hình hoạt động phù hợp cho VPI trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.