Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết thị trường hydrogen tiềm năng có thể đạt sản lượng 22 triệu tấn/năm vào năm 2050. Sự phát triển hydrogen trong các lĩnh vực cũng sẽ tạo ra những thị trường mới với tổng giá trị đạt 100 tỷ USD vào năm 2035 và 1.200 tỷ USD vào năm 2050.

Giá trị của các thị trường tiềm năng khi phát triển hydrogen vào các năm 2035 và 2050 tại Việt Nam (tỷ USD)
Theo TS. Nguyễn Hữu Lương – chuyên gia của VPI, với giả định hydrogen bắt đầu được áp dụng thí điểm cho các lĩnh vực tiềm năng từ năm 2025, đến năm 2030, 1 – 2% hydrogen sẽ được thay thế cho nhu cầu nguyên, nhiên liệu hóa thạch của những lĩnh vực này và đến năm 2050, tỷ lệ sử dụng hydrogen đạt 20 – 30% thì thị trường hydrogen sạch tại Việt Nam có thể đạt khoảng 22 triệu tấn/năm vào năm 2050, tương ứng 2,8% nhu cầu hydrogen của thế giới.
Nhu cầu hydrogen lớn nhất đến từ lĩnh vực giao thông vận tải, kế tiếp là xi măng, điện và thép, rồi đến các ngành lọc – hóa dầu và sản xuất đạm. Sự phát triển hydrogen trong các lĩnh vực này sẽ đóng góp giảm 5,4% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2030. Không những thế, sự phát triển hydrogen tại Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện phát triển các yếu tố về kinh tế, xã hội và các ngành công nghiệp liên quan.
Để hydrogen phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị tại Việt Nam, việc thiết lập mục tiêu và lộ trình cùng với chính sách phù hợp là cần thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của hydrogen đối với hoạt động của lĩnh vực dầu khí và năng lượng nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành chương trình khung và xây dựng kế hoạch triển khai chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn về phát triển sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025. Sản phẩm dự kiến của chương trình sẽ góp phần phát triển Petrovietnam hiệu quả và bền vững trong xu hướng chuyển dịch năng lượng.