Trong Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2022, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương 47 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu, trong đó có “sản phẩm phần mềm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình mô phỏng khai thác cho các mỏ dầu khí tại đối tượng trầm tích bể Cửu Long” của đại diện nhóm tác giả Trần Xuân Quý – Bí thư Chi đoàn VPI Hà Nội, thuộc Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy và Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn trao Bằng khen và biểu trưng cho tác giả Trần Xuân Quý với “sản phẩm phần mềm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình mô phỏng khai thác cho các mỏ dầu khí tại đối tượng trầm tích bể Cửu Long”
PV: Lý do gì khiến nhóm tác giả quyết định thay đổi cách làm cũ để nghiên cứu sản phẩm phần mềm mới hỗ trợ, nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình mô phỏng khai thác cho các mỏ dầu khí?
Anh Trần Xuân Quý: Mô hình mô phỏng khai thác mỏ dầu khí là công cụ đáng tin cậy và thường được các kỹ sư dầu khí ưu tiên sử dụng trong công tác vận hành khai thác và quản lý mỏ. Phục hồi lịch sử khai thác là mắt xích quan trọng trong quy trình xây dựng và hoàn thiện mô hình mô phỏng, đảm bảo mô hình mô phỏng phản ánh đúng động thái khai thác của vỉa.
Công tác phục hồi lịch sử khai thác theo cách làm cũ vẫn chủ yếu dựa trên các bước cơ bản thông qua việc hiệu chỉnh các thông số địa chất mỏ như: độ thấm, độ rỗng, độ dẫn động,… Quá trình này được thực hiện liên tục cho đến khi nhận được sự phù hợp cần thiết giữa kết quả tính và số liệu khai thác thực tế và hiện nay chủ yểu được thực hiện thủ công, cần nhiều thời gian, độ tin cậy chưa cao.
Nhiều phương pháp xác định thông số mô hình vỉa bằng các phương trình tự động phục hồi lịch sử đã được phát triển, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và thường yêu cầu phát triển riêng chương trình tính toán mô phỏng, khối lượng tính toán lớn, hiệu quả thấp đối với mô hình có quỹ giếng lớn, cấu trúc địa chất phức tạp.
Công tác phục hồi lịch sử khai thác sẽ gặp thách thức lớn hơn trong các đối tượng vỉa có thực hiện giải pháp gia tăng thu hồi thử cấp bằng bơm ép nước. Do đó, cần thiết nghiên cứu phương pháp mới có khả năng tích hợp với mô hình thủy động lực để mô phỏng hiệu quả tương tác giữa giếng khai thác và giếng bơm ép.
PV: Nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp gì để dự báo và tối ưu khai thác mỏ, đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của giếng bơm ép đến giếng khai thác?
Anh Trần Xuân Quý: Nghiên cứu của nhóm tác giả kết hợp kết quả của mô hình điện trở điện dung cải tiến (ICRMIP) trong công tác xây dựng và phục hồi lịch sử khai thác mô hình thủy động lực học, qua đó dự báo và tối ưu khai thác mỏ, đánh giá mức độ ảnh hưởng của giếng bơm ép đến giếng khai thác. Cụ thể là đánh giá ảnh hưởng của nước vỉa xâm nhập đến giếng khai thác; chuyển đổi kết quả tương tác giữa giếng bơm ép – khai thác sang dạng bản đồ số; nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình mô phỏng khai thác cho các mỏ dầu khí.
PV: Anh có thể chia sẻ đặc điểm nổi bật của phần mềm mới này?
Anh Trần Xuân Quý: Phần mềm có 3 đặc điểm nổi bật: (1) có thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng của giếng bơm ép đến giếng khai thác thay vì sử dụng chất chỉ thị (tracer) với chi phí tốn kém và cần thời gian để xác nhận xem chất chỉ thị có đến giếng khai thác hay không; (2) có thể rút ngắn thời gian phục hồi lịch sử trên mô hình mô phỏng khai thác; (3) có thể tích hợp các module để tích hợp vào các phần mềm thương mại và làm nền tảng cho việc phát dài hạn của Viện Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực mô phỏng khai thác. Có thể nói đây là lần đầu tiên thanh niên VPI chủ động nghiên cứu, xây dựng và phát triển một phương pháp hỗ trợ nhanh cho công tác xây dựng mô hình mô phỏng khai thác.
PV: Nghiên cứu được ứng dụng để dự báo mô hình mô phỏng khai thác cho bể Cửu Long cho kết quả như thế nào, thưa anh?
Anh Trần Xuân Quý: Nghiên cứu được áp dụng đối với mỏ đang thực hiện bơm ép nước (3 giếng bơm ép, 10 giếng khai thác) đối tượng Miocene bể Cửu Long. Kết quả đã chứng minh được tính khả thi khi 7/10 giếng khoan đã cải thiện thông số độ ngập nước so với mô hình ban đầu, sai số tổng sản lượng dầu, chất lưu khai thác trong mô hình so với thực tế lần lượt giảm từ -2,8% xuống -0,3% và từ 11,7% xuống dưới 5%.
PV: Anh có thể chia sẻ các thuận lợi, khó khăn trong quá trình nghiên cứu và kế hoạch tiếp theo của nhóm tác giả để sớm đưa nghiên cứu này vào thương mại hóa?
Anh Trần Xuân Quý: Khi triển khai nghiên cứu, nhóm tác giả gặp phải một số khó khăn khi các tác giả chính là đoàn viên thanh niên, do đó còn thiếu kinh nghiệm. Trước khi lên ý tưởng và đề cương sơ bộ, tác giả đã phải dành thời gian tương đối dài đi khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu và hiện trạng tại các nhà thầu điều hành mỏ. Nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng các thuật toán tối ưu trong xử lý tài liệu khai thác. Đối với nhóm tác giả, đây là lĩnh vực mới, do đó để thực hiện được nhiệm vụ này, nhóm tác giả đã phối hợp và truyền tải ý tưởng tới các bạn lập trình. Nhóm tác giả có thuận lợi là được sự hỗ trợ và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành Dầu khí, được tiếp cận nguồn tài liệu sẵn có của Viện Dầu khí Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu tính đến thời điểm này đã tạo ra phần mềm và công cụ có thể ứng dụng trực tiếp tại một số mỏ nhất định Việt Nam. Để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu này, nhóm tác giả đang bổ sung thêm các tính năng để người sử dụng có thể thuận tiện thao tác, bổ sung thêm các thuật toán để có them nhiều sự lựa chọn phù hợp với các đối tượng áp dụng cũng như tối ưu thời gian chạy phần mềm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh.
Với tỷ lệ đoàn viên thanh niên trên tổng số người lao động liên tục giảm mạnh từ 68% (2017) xuống 22% (2022), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) với tinh thần “Đoàn kết, Đổi mới sáng tạo, Hiệu quả” đã từng bước vượt qua thách thức, đẩy mạnh chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học và có 2 công trình thanh niên được tuyên dương tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2022. Bí thư Đoàn Thanh niên VPI Vũ Đức Ứng trao đổi về vấn đề này.

Đoàn Thanh niên VPI tham gia Lễ phát động và triển khai chương trình trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
PV: Trước thách thức tỷ lệ đoàn viên thanh niên trên tổng số người lao động liên tục giảm mạnh từ 68% (2017) xuống 22% (2022), anh có thể chia sẻ về phong trào Tuổi trẻ sáng tạo của Đoàn Thanh niên VPI, cụ thể là chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học?
Anh Vũ Đức Ứng: Với đặc thù là tổ chức chính trị trong đơn vị nghiên cứu khoa học và thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, Đoàn Thanh niên VPI và các chi đoàn trực thuộc đã từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo thực địa (từ Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, đến các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cù Lao Xanh,…), các diễn đàn, Hội thảo khoa học không chỉ tại Viện Dầu khí Việt Nam mà còn có sự kết hợp với các đơn vị khác ở trong và ngoài nước.
Thông qua đào tạo, các đoàn viên thanh niên VPI có cơ hội rèn luyện để trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ có năng lực và trình độ chuyên môn cao. Ví dụ Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam đang tổ chức chương trình đào tạo với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu”, cung cấp kiến thức cho đoàn viên thanh niên về xu hướng phát triển của thị trường phân tích dữ liệu, các nguồn và cấu trúc dữ liệu, các phương pháp và kỹ thuật phân tích dữ liệu; từ đó có thể xây dựng sản phẩm về dữ liệu liên quan trực tiếp đến công việc đang triển khai, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển văn hóa “Tự học hỏi, tự hoàn thiện bản thân”.
Trong năm 2022, VPI đã tích cực tham gia công bố quốc tế và được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã cấp Bằng sáng chế số 011318454B1 cho sáng chế “Phương pháp và hệ thống làm mới xúc tác FCC thải sử dụng quá trình ngâm chiết acid kết hợp đun hồi lưu” (có 1 đoàn viên thanh niên là đồng tác giả), được chấp nhận sáng chế “Phương pháp và hệ thống cho quá trình reforming chuyển hóa khí tự nhiên giàu CO2 thành khí tổng hợp, có tích hợp thiết bị plasma lạnh tiền xử lý khí” (có 1 đoàn viên thanh niên là đồng tác giả); “Sản phẩm phân bón thông minh, phương pháp sử dụng và sản xuất phân sản phẩm bón thông minh” (có 2 đoàn viên thanh niên là đồng tác giả).
PV: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về 2 công trình thanh niên của VPI được tuyên dương tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2022 với chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo, khát vọng vươn xa”?
Anh Vũ Đức Ứng: Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2022 bao gồm chuỗi các hoạt động: Ngày hội trải nghiệm và không gian sáng tạo trẻ; Chương trình tọa đàm Tuổi trẻ sáng tạo với chủ đề “Thanh niên Việt Nam tiên phong, sáng tạo, góp phần hiện thực hóa khát vọng Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2045” và Lễ tuyên dương giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2022. Trong đó, Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc” là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm khen thưởng, tôn vinh những cá nhân và tập thể là đoàn viên, thanh niên có công trình, sản phẩm sáng tạo xuất sắc được áp dụng trong học tập, công tác, lao động sản xuất.
Rất vinh dự cho tuổi trẻ VPI khi tại Liên hoan năm nay có 2 công trình thanh niên được công nhận là công trình sáng tạo tiêu biểu toàn quốc và được Ban chấp hành Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. Thứ nhất là Công trình “Sản phẩm phần mềm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình mô phỏng khai thác cho các mỏ dầu khí tại đối tượng trầm tích bể Cửu Long” của đại diện nhóm tác giả Trần Xuân Quý – Bí thư Chi đoàn VPI Hà Nội. Thứ hai là Công trình “Thử nghiệm công nghệ chiếu sáng địa chấn 3D ứng dụng trong thiết kế thu nổ cấu hình hai nguồn nổ flip-flop” của đại diện nhóm tác giả Phạm Thế Hoàng Hà – Đoàn viên Chi đoàn VPI Hà Nội. Đây là 2 trong số rất nhiều ý tưởng sáng tạo mà tuổi trẻ VPI đang tích cực triển khai.
PV: Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, theo anh thách thức đối với tuổi trẻ VPI hiện nay là gì?
Anh Vũ Đức Ứng: Tôi cho rằng tuổi trẻ VPI đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ việc sử dụng hiệu quả lợi thế cạnh tranh về cơ sở dữ liệu, sáng tạo nhiều sản phẩm đặc thù và tác động thay đổi cơ bản mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của Petrovietnam; áp lực rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, tối ưu chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực cốt lõi.
PV: Đoàn Thanh niên VPI đặt mục tiêu và kỳ vọng gì trong nhiệm kỳ 2022 – 2027?
Anh Vũ Đức Ứng: Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam sẽ tập trung đổi mới cách thức hoạt động, tổ chức và chất lượng các phong trào thi đua; thực hiện tốt vai trò là “cánh tay phải của Đảng”, cùng với Công đoàn triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phong trào thi đua đăng ký đảm nhận công trình, phần việc thanh niên, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo. Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam sẽ phát huy được tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ VPI, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững Viện Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn Thanh niên VPI là tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến của đoàn viên thanh niên; tạo điều kiện để tuổi trẻ VPI hăng say lao động, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo, có ý thức vươn lên khẳng định mình. Đoàn Thanh niên VPI đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào công tác xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo, công bằng, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện vì tập thể, vì cộng đồng…
Trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, Đoàn Thanh niên VPI đặt mục tiêu đoàn viên thanh niên tích cực tham gia và là đồng tác giả của ít nhất 3 công bố quốc tế; có ít nhất 8 công trình/phần việc thanh niên được khen thưởng cấp Trung ương Đoàn, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; có 5 sáng kiến được các cấp công nhận về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tổ chức ít nhất 10 diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề… về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tư vấn, khoa học dữ liệu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

Đoàn Thanh niên VPI trong chương trình đào tạo thực địa tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Ban Tổ chức trao quà cho đoàn viên thanh niên đạt giải trong cuộc thi kiểm tra kiến thức về sáng tạo sản phẩm dữ liệu, Power BI và Python trong chương trình đào tạo với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu”

Đoàn Thanh niên VPI tặng áo ấm mùa đông cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Cao Bằng