Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng là một trong 60 doanh nhân được nhận danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022” và được vinh danh trong Top 10 “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022”.

Ngày 12/10 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và có phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.

Cùng dự còn có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và trên 200 đại biểu doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự lễ kỷ niệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự lễ kỷ niệm

Điểm nhấn của buổi Lễ là tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022″ cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh TOP10 “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2022”.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, Ngày Doanh nhân Việt Nam đã được nhiều doanh nhân gọi là Tết doanh nhân, năm nay Tết doanh nhân vui hơn vì cộng đồng doanh nghiệp vừa vượt qua đại dịch Covid-19, có nhiều doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng tốt. Đặc biệt, năm nay VCCI tổ chức bình xét và trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đúng ngày 13/10 với kết quả rất tốt đẹp, chọn lựa được những gương mặt thật sự tiêu biểu. VCCI hy vọng và tin tưởng những người được trao tặng danh hiệu sẽ trở thành những tấm gương lan tỏa đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng hợp doanh nghiệp của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70 nghìn tỷ đồng và số lao động trên 251 nghìn người. Đây là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các doanh nhân tiêu biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các doanh nhân tiêu biểu

Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất mới 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%. Trong số TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất có nhiều doanh nhân đã thành danh như tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô-tô Trường Hải; ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch Công ty sứ Minh Long… Mỗi doanh nhân đều là một tấm gương, một câu chuyện hay về tinh thần lập nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ và cả trách nhiệm xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng danh hiệu TOP10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam 2022 cho Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng danh hiệu TOP10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam 2022 cho Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng TOP10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng TOP10 Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022

Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh nhận vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 tại lễ tôn vinh

Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh nhận vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 tại lễ tôn vinh

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, cả trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, cả trong chung sức cùng cả nước chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Đồng thời Thủ tướng đã nêu những khó khăn, thách thức, các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới và chỉ đạo những định hướng lớn cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu giới doanh nhân Việt Nam cần quan tâm xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nhân có Tâm và Tài, có tinh thần dân tộc, phụng sự đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh cần cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.

Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng KTXH theo hình thức hợp tác công – tư.Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Phát triển lành mạnh hóa, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với các thị trường tài chính, bất động sản… Bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai.

Đặc biệt, Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: (i) trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động SXKD tuân thủ pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển KTXH, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quan trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu; tận dụng sự phục hội mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh; Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; đồng thời đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, tinh thần trách nhiệm xã hội đã được các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đã được thể rõ khi họ đã cùng nhau đăng ký ủng hộ xây dựng 212 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 10,6 tỷ đồng cho các hộ nghèo, trong đó có 16 căn nhà sẽ được chuyển ngay cho các hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An để kịp thời khắc phục hậu quả lũ bão vừa xảy ra.

Năm nay là năm đầu tiên có bình xét TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, các gương mặt được chọn lựa đều là những doanh nhân có danh tiếng. Các doanh nghiệp do TOP10 lãnh đạo, quản lý có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 rất ấn tượng: Tổng doanh thu gần 746 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 611 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 136 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 59 nghìn tỷ đồng và số lao động trên 132 nghìn người.

Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước, sau 47 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 – 3/9/2022), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, thông qua quản trị hiệu quả trên cơ sở thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết; Tập đoàn đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác, chế biến dầu – khí), an ninh lương thực (sản xuất, cung ứng phân bón phục vụ nông nghiệp), an ninh kinh tế (đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia) và cả cho an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển).

An ninh năng lượng

Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội”.

Dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính đảm bảo cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Một trong những thành tựu lớn nhất mà Petrovietnam đạt được trong nhiều năm qua là không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tại Lễ khánh thành Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào giữa tháng 7/2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Petrovietnam có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thông qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà NMNĐ Sông Hậu 1 là minh chứng mới nhất; đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Như vậy, trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện Petrovietnam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400 MW (Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1); 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW (Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2); 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 305 MW (Hủa Na, Đakđrinh). Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam tới 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.

Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100 – 110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển – Phó Ban Kinh tế Trung ương thì ngày nay an ninh năng lượng đã được tiếp cận hiểu theo cách phi truyền thống. Nghĩa là cần hiểu trên bối cảnh rộng hơn, không chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột, sự tan rã và biến động giá cả từ các thao túng của những thỏa thuận cung cấp năng lượng hiện có như cách tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống; mà bao gồm cả việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ tài nguyên năng lượng không cân bằng, cũng như việc xử lý các thảm họa, nhất là về môi trường. Dựa vào những tiêu chí này, NMLD Dung Quất đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Trước đây, khi chưa có NMLD Dung Quất thì sau khi khai thác được dầu thô, Việt Nam sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… đã được lọc từ họ. Việc này giống như việc “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia. Nếu một ngày đất nước có chiến tranh hoặc biến động về địa chính trị; nguồn cung xăng, dầu từ bên ngoài bị gián đoạn thì vai trò của NMLD lại càng rất quan trọng.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Đến nay, Petrovietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate. Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 – nay.

Số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng: Khai thác dầu thô trong toàn Tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch (KH) tháng 7; tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% KH 7 tháng và bằng 73% KH năm 2022. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8% KH, sản xuất đạm vượt 9% KH. Sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác của Tập đoàn đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.

An ninh lương thực

Nếu nói thăm dò khai thác là nền tảng thì ngành chế biến dầu khí là “đỉnh” của chuỗi giá trị dầu khí. Chế biến dầu khí cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giá trị cao cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, hóa chất, nhựa, xơ sợi… Đặc biệt, công nghệ chế biến dầu khí đã góp phần sản xuất ra hàng triệu tấn phân đạm, urê chất lượng cao đảm bảo hỗ trợ người nông dân có được những vụ mùa bội thu.

Với sứ mệnh tiên phong, Petrovietnam chính là cổ đông sáng lập và sở hữu hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước ta hiện nay, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau – PVCFC). Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm (ure) của cả nước. Không dừng lại ở đó, PVFCCo và PVCFC luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư để tạo ra những sản phẩm phân bón mới chất lượng cao như NPK, hữu cơ vi sinh, đạm màu… mang đến nhiều loại phân bón dành cho đa dạng cây lương thực, cây ăn trái và cây công nghiệp, góp phần cùng bà con nông dân tạo nên những vụ mùa bội thu trên các vườn cây, cánh đồng, trang trại.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Hai nhà máy sản xuất phân bón nói trên thuộc khâu cuối trong chuỗi giá trị dầu khí – chế biến dầu khí – một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Petrovietnam, mắt xích cuối cùng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò – khai thác – chế biến – phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí. Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20 – 25% tổng doanh thu của toàn Petrovietnam. Điều này được minh chứng rõ ràng, kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, giá khí tăng cao (nguồn cung đầu vào của sản phẩm phân đạm) đã dẫn đến khủng hoảng giá, nguồn cung phân bón trên thị trường và hệ lụy là khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trong khi đó, với sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực chế biến dầu khí nói chung và sản xuất phân bón dầu khí nói riêng, Petrovietnam không chỉ góp phần hỗ trợ bà con nông dân cả nước có một nguồn phân bón ổn định, chất lượng cao, giá thành phù hợp, thực sự góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam ngày càng ấm no, thịnh vượng.

An ninh kinh tế

Trong những năm qua, Petrovietnam luôn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chiến lược của Tập đoàn như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG… đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước.

Vững vàng vượt qua thử thách và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, để từng bước, Petrovietnam phục hồi tăng trưởng một cách ngoạn mục, nỗ lực đóng góp cao nhất cho nền kinh tế đất nước. 2020 – một năm có thể nói là năm khó khăn nhất trong lịch sử Petrovietnam, vừa phải tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (có thời điểm xuống -37 USD/thùng). Vượt qua khó khăn, Petrovietnam đóng góp vào NSNN 83 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2020, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách nhà nước.

Năm 2021, đại dịch Covid -19 diễn biến càng phức tạp, lan rộng trên toàn thế giới, nước ta cũng gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề. Cuộc khủng hoảng giá dầu cộng với Covid -19 khiến nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn thế giới rơi vào tình trạng khốn đốn, thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn tiếp tục vững vàng vượt qua sóng gió, hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nộp ngân sách Nhà nước đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Kết quả SXKD của Petrovietnam đã dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh thị trường năng lượng có nhiều biến động do cuộc xung đột Nga – Ukraine, các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác đều có xu hướng suy giảm sản lượng lớn, song Petrovitnam đã nỗ lực duy trì, gia tăng sản lượng khai thác để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế đất nước. Nộp NSNN toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với KH 7 tháng, vượt 23% KH năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021.

An ninh quốc phòng

Không chỉ đóng góp về kinh tế, mà sự xuất hiện, hoạt động của những đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và mỗi một giàn khoan của ngành dầu khí trên biển chính là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, thể hiện việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Nơi những dự án dầu khí đang triển khai, những giàn khai thác, giàn khoan, tàu thăm dò địa chấn, tàu trực mỏ đều là những “vọng gác tiền tiêu”, là cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, cũng là điểm tựa cho ngư dân bám biển…

Người lao động Dầu khí trên Biển Đông

Người lao động Dầu khí trên Biển Đông.

Những năm qua, ngành Dầu khí đã tự lực và phối hợp với các công ty dầu khí nước ngoài triển khai hàng loạt các dự án địa chấn 2D, 3D, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát, điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí, Petrovietnam còn chú trọng tính toán các cơ hội đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm, làm căn cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo.

Trong lập các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết với nước ngoài, mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, Petrovietnam luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, ngành liên quan để thẩm định dự án; trên cơ sở đó, thống nhất xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng bảo đảm an toàn các công trình dầu khí và các hoạt động dầu khí trên biển. Qua đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, với các đơn vị hoạt động trên biển chăm lo xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Vừa qua, làm việc với Petrovietnam tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế đất nước. Trước đây, từng có thời điểm Petrovietnam đóng góp đến gần 25% cho kinh tế quốc gia. Petrovietnam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Ngoài đóng góp lớn cho NSNN, Petrovietnam còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – đối ngoại của quốc gia, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế; đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Có thể khẳng định, trải qua chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Petrovietnam cùng nhiều thế hệ người lao động dầu khí luôn vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn để ngành dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ. Sức mạnh đó có được là nhờ sự đúc kết truyền thống và văn hóa của những người đi tìm lửa, đồng thời không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, giữ lửa nhiệt huyết trong tim, thực hiện quản trị hiệu quả, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng, giữ vững 4 chữ “An” cho sự phát triển vững mạnh, hùng cường của Tổ quốc./.