Trong bất kỳ một doanh nghiệp, một tổ chức nào thì con người luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển, trong đó văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là tài sản vô hình đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình tầm nhìn, sứ mệnh và xây dựng thương hiệu, là chìa khóa vàng của sự thành công trên mỗi chặng đường phát triển của doanh nghiệp. “Văn hóa mạnh, thành công lớn”, nhận thức được tầm quan trọng đó, song hành cùng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, VHDN luôn được đề cao và được xem là một giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Phát huy văn hóa – nguồn sức mạnh nội sinh

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước. Hành trình ấy đã dựng xây, vun đắp và cũng ghi dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dầu khí.

Những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn bủa vây ngành Dầu khí do giá dầu giảm sâu kéo dài, đại dịch Covid-19 bùng phát tạo nên tác động kép, cùng với những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm, những tồn tại trong giai đoạn trước từ các vụ việc, dự án yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng người lao động, uy tín và thương hiệu của ngành với nhiều những nỗi lo lắng, bất an và khủng hoảng lòng tin có lúc tưởng chừng khó vượt qua… Trong bối cảnh đó, cùng với việc kiên định, nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị biến động, điều hành sản xuất, kinh doanh (SXKD), từng bước vượt khó khăn, khủng hoảng, văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam chưa bao giờ bị mai một mà càng phải được đề cao như một giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với ngành, với nghề, để cho mỗi thành viên giữ vững niềm tin, cùng đoàn kết, hành động hiệu quả, thiết thực và trách nhiệm đưa Petrovietnam vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu lãnh đạo, cán bộ, người lao động tiêu biểu ngành Dầu khí

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu lãnh đạo, cán bộ, người lao động tiêu biểu ngành Dầu khí

Sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ đã tạo ra quả ngọt, Petrovietnam vững vàng vượt qua thử thách và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, để từng bước phục hồi tăng trưởng một cách ngoạn mục. 2020 – một năm có thể nói là khó khăn nhất trong lịch sử 47 năm thành lập, Petrovietnam vừa phải tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (có thời điểm xuống -37 USD/thùng). Vượt qua khó khăn, Petrovietnam đóng góp vào ngân sách nhà nước 83 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2020, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách nhà nước.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến càng phức tạp, lan rộng trên toàn thế giới, nước ta cũng gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề. Cuộc khủng hoảng giá dầu cộng với Covid-19 khiến nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn thế giới rơi vào tình trạng khốn đốn, thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn tiếp tục vững vàng vượt qua sóng gió, hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động SXKD, nộp ngân sách Nhà nước đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Kết quả SXKD của Petrovietnam đã dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, trong khó khăn của đất nước, khó khăn của chính doanh nghiệp, Petrovietnam lại càng nỗ lực tham gia thực hiện an sinh xã hội, đóng góp Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch bệnh với tổng kinh phí kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng; thể hiện những giá trị nhân ái, đoàn kết, nhân văn, chia sẻ ngời sáng, đồng hành cùng cả nước vượt qua đại dịch.

Trong 7 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, biến động khó lường, cuộc chiến Nga – Ukraine, căng thẳng Mỹ – Trung, lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát ở tất cả các khu vực gia tăng, chi phí tăng mạnh, mặt bằng giá cả đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng khó khăn, biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp, kinh tế vĩ mô thế giới cho thấy dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ nét. Với các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành được triển khai quyết liệt, xuyên suốt những năm qua đã giúp Petrovietnam dự báo chính xác, phản ứng kịp thời, linh hoạt trước những biến động, tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực trong chuỗi giá trị để giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, tận dụng tốt cơ hội thị trường, duy trì hoạt động SXKD ổn định, thông suốt, đạt hiệu quả cao. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với KH 7 tháng, vượt 23% KH năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021. Petrovietnam đã quyết liệt tập trung tháo gỡ các nút thắt đầu tư, quyết tâm xử lý có kết quả các dự án khó khăn, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thành quả chung của Tập đoàn, VHDN đóng vai trò quan trọng. Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam với giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy được vai trò nêu gương, truyền lửa, tạo động lực của những người “thuyền trưởng” trong định hướng, xây dựng VHDN, thúc đẩy chuyển hóa giá trị văn hóa Petrovietnam vào công việc hằng ngày, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Tập đoàn. Đặc biệt, xuyên suốt thời gian dài chống chọi với “khủng hoảng kép”, phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” trên nền tảng các giá trị văn hóa của Petrovietnam như một ngọn lửa tinh thần đã được thắp lên, rực cháy hơn bao giờ hết, giúp tập thể người lao động dầu khí trụ vững vàng, nỗ lực cùng nhau vượt qua gian khó, thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Tuần lễ Văn hóa Dầu khí là ngày hội văn hóa lớn của Petrovietnam

Tuần lễ Văn hóa Dầu khí là ngày hội văn hóa lớn của Petrovietnam

Ngày 25/6/2022, tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu cán bộ, người lao động ngành Dầu khí tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngành Dầu khí giai đoạn 2017-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao những thành tích, nỗ lực mà Petrovietnam đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của ngành Dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chủ tịch Nước nhấn mạnh, để đạt được những thành công đó phải kể đến những người lao động Dầu khí không ngừng hăng say lao động, không ngừng đổi mới sáng tạo trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, vất vả, đó là “Những bông hoa đẹp của ngành Dầu khí Việt Nam”. Chủ tịch Nước tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Petrovietnam sẽ tiếp tục giữ vững bản lĩnh, tinh thần của “Những người đi tìm lửa” để đoàn kết, thi đua, lao động, sản xuất sáng tạo, không ngừng học tập, tiếp tục đổi mới trong mọi hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó, xây dựng và phát triển Tập đoàn bền vững.

Với truyền thống văn hóa nhân văn, nghĩa tình, Petrovietnam tích cực ủng hộ công tác phòng chống đại dịch Covid -19, đồng hành cùng cả nước vượt qua đại dịch

Với truyền thống văn hóa nhân văn, nghĩa tình, Petrovietnam tích cực ủng hộ công tác phòng chống đại dịch Covid -19, đồng hành cùng cả nước vượt qua đại dịch

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Trong Chiến lược phát triển, Petrovietnam xác định VHDN là một thành tố quan trọng không thể thiếu, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững của Petrovietnam. Các giá trị văn hóa cốt lõi được kiến tạo và bồi đắp xuyên suốt lịch sử phát triển của Petrovietnam là “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, chính là liều vắc xin mạnh mẽ giúp Petrovietnam vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian qua và sẽ luôn là động lực, nguồn sức mạnh to lớn trong suốt quá trình phát triển của Tập đoàn.

Với tầm quan trọng đó, việc triển khai VHDN tại Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm đầy đủ và đồng bộ. Đến nay Đề án tái tạo văn hoá Petrovietnam đã được triển khai sâu rộng, từng bước đi vào nề nếp, trở thành nếp nghĩ, thói quen làm việc hàng ngày của người lao động dầu khí. Các đơn vị trong toàn Tập đoàn thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai, bám sát chỉ đạo của Tập đoàn để xây dựng kế hoạch thực hiện xuyên suốt với các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu, đã và đang trở thành một trong những giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn Tập đoàn. Việc thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” kết hợp với Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), cùng với văn hóa phối hợp, chia sẻ trong công việc; văn hóa làm việc trên nền tảng công nghệ; văn hóa đào tạo, tự cập nhật kiến thức và công tác truyền thông kịp thời đã tạo bước đột phá trong thực hiện tái tạo văn hóa Petrovietnam, là cơ sở quan trọng để Tập đoàn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra.

Petrovietnam được tôn vinh "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam"

Petrovietnam được tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”

Kết quả rõ nét nhất là tái tạo văn hóa Petrovietnam và hoạt động truyền thông được lồng ghép thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng trong toàn Tập đoàn; gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” trong từng hoạt động; quan tâm gây dựng lại hình ảnh Người lao động Dầu khí – Ngành Dầu khí thông qua việc triệt để tận dụng cơ hội truyền thông tới các cấp, các ngành, từ trung ương tới địa phương cũng như dư luận xã hội và CBNVLĐ Dầu khí; qua đó đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp của các thế hệ người lao động Dầu khí; sự đồng thuận của xã hội, sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương liên quan và đặc biệt là sự ghi nhận và đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhờ đó, thương hiệu, uy tín của Tập đoàn được nâng cao, hình ảnh Petrovietnam đã tạo ấn tượng tốt đẹp; tạo niềm tin, khí thế mới trong cán bộ, công nhân viên, người lao động Dầu khí với trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Người lao động Dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”

Người lao động Dầu khí “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”

Tiếp thu, chắt lọc các giá trị bản sắc văn hóa Dầu khí được xây dựng, hình thành và hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử phát triển của ngành, Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam được triển khai ngay trong giai đoạn khó khăn nhất và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, bền bỉ đã khẳng định VHDN luôn được đề cao, giải pháp quan trọng, gắn với sự phát triển của Petrovietnam, góp phần nâng cao hiệu quả, uy tín, giá trị thương hiệu của Tập đoàn, là động lực để xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Petrovietnam trong thời kỳ mới. Trong đó, văn hóa với vai trò là sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của phát triển.

Với các giải pháp quản trị điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành Dầu khí trong vòng 3 năm trở lại đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không những trụ vững trong gian khó mà còn vươn lên đầy ngoạn mục.

Người lao động Dầu khí làm việc trên công trình

Người lao động Dầu khí làm việc trên công trình

PV: Thưa Tổng giám đốc, ông có thể chia sẻ vì sao quản trị biến động là trọng tâm trong phương châm hành động của Petrovietnam trong suốt 3 năm qua?

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng: Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế có quy mô lớn hàng đầu đất nước hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện – năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Với mô hình quản trị gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết lên tới hàng trăm công ty. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam gắn với nhu cầu thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội, như dầu thô, khí đốt, điện, xăng dầu, phân bón… Bên cạnh đó, Petrovietnam còn là một doanh nghiệp đặc thù, vừa đại diện cho nhà nước quản lý hoạt động dầu khí, vừa là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) theo cơ chế thị trường… Vì thế, Petrovietnam là một bộ máy rất lớn, vận hành liên tục, đồng bộ, chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong. Các tác động này có thể giúp bộ máy hoạt động mạnh mẽ hơn nếu quản trị tốt, cũng có thể khiến bộ máy suy yếu nếu không hạn chế được tiêu cực.

Những biến động bên ngoài như biến động của môi trường kinh doanh (cung cầu, giá cả, các yếu tố kinh tế vĩ mô…), môi trường pháp lý (các chính sách, cơ chế, luật pháp…), khoa học công nghệ (tốc độ phát triển, chuyển đổi số, dịch chuyển năng lượng…) và môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu…). Tất cả những hoạt động của ngành Dầu khí luôn chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố này.

Nội tại của Petrovietnam cũng có sự thay đổi rất lớn trong những năm qua. Về cấu trúc tổ chức, mô hình hoạt động, từ chỗ hầu hết các đơn vị 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước chi phối, nay đã có rất nhiều công ty thành viên của Petrovietnam chuyển sang công ty cổ phần, liên doanh, liên kết… Nguồn nhân lực cũng có sự biến động. Các thế hệ tiếp nối thay thế nhau, các thời kỳ khó khăn, thuận lợi cũng thay đổi theo thời gian.

Thực tế đó chính là những yếu tố biện chứng để ban lãnh đạo Petrovietnam xây dựng triết lý quản trị hiệu quả trong thời kỳ biến động. Mô hình càng lớn sẽ chịu tác động càng nhiều. Cái gốc rễ là phải quản trị, thay đổi một cách căn bản kể cả trong văn hóa doanh nghiệp, với mục tiêu cuối cùng là thích ứng kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái kinh doanh, tận dụng được các cơ hội để thu về thành quả.

Thực tế trong nhiều năm qua, quản trị biến động đã thấm sâu, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, không chỉ ở công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội… từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Ban lãnh đạo Petrovietnam đã ban hành Quyết định số 110 về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách vào đầu năm 2020. Trước mỗi kỳ điều hành, lãnh đạo các đơn vị đều phải chủ động thực hiện các dự báo, xây dựng kịch bản và điều chỉnh các kế hoạch SXKD cho phù hợp thực tế. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời. Sự lãnh đạo, điều phối nguồn lực, hỗ trợ, cùng với kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên phải nhất quán, có hệ thống, kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tính liên tục và hướng đích…

Quản trị biến động là yếu tố rất quan trọng mà trong những năm gần đây Petrovietnam luôn đặt lên hàng đầu, sau này vẫn sẽ tiếp tục như vậy, bởi vì bản chất của vạn vật là luôn vận động, thay đổi không ngừng để phát triển.

7 tháng năm 2022, nhờ quản trị biến động, Petrovietnam có thể đẩy mạnh sản lượng lọc dầu, tận dụng được thời kỳ biên lợi nhuận của ngành lọc dầu rất cao. Ngành phân bón cũng có hiệu quả tốt do giá thị trường thuận lợi và sản xuất an toàn, ổn định ...

PV: 7 tháng năm 2022, sản lượng khai thác dầu thô, cung ứng khí – điện cùng các sản phẩm năng lượng khác của Petrovietnam đều vượt kế hoạch, các chỉ tiêu tài chính rất khả quan. Quản trị biến động đã đóng góp như thế nào vào kết quả đó, thưa Tổng giám đốc?

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng: Trước hết, nhìn lại bài học quản trị của năm 2020. Khi giá dầu xuống mức thấp nhất trong lịch sử bởi tác động của đại dịch Covid-19 và thị trường dầu khí, phương châm của Petrovietnam lúc đó là bằng mọi cách phải tối ưu giá trị trong từng lĩnh vực, đưa chi phí, giá vốn về mức “cạnh tranh sống còn”. Nhu cầu thị trường trong cơn bão đại dịch Covid-19 cũng giảm xuống rất thấp, phải tìm mọi cách đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho. Vì tài chính khó khăn nên phải nỗ lực vượt khó, đồng thời chắt chiu, tận dụng mọi cơ hội để triển khai SXKD an toàn. Với những phương châm hành động đó, Petrovietnam đã vượt qua năm 2020 một cách ngoạn mục với tổng doanh thu trên 566 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách 83 nghìn tỉ đồng và đạt lợi nhuận hợp nhất trên 19,9 nghìn tỉ đồng.

Đến năm 2021, khi đã đưa giá vốn về mức cạnh tranh nhất (tối ưu), phải tiếp tục tối đa nó bằng cách kết nối các đơn vị lại với nhau, để đưa các tài sản đã đầu tư vào sử dụng một cách hiệu quả nhất và phải đưa doanh thu lên mức tối đa. Trong năm 2021, BSR đã lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn tỉ đồng, PV GAS cũng lần đầu vượt 80 nghìn tỉ đồng… Petrovietnam đã đạt tổng doanh thu trên 640 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách 112,5 nghìn tỉ đồng, đặc biệt là đạt mức lợi nhuận hợp nhất cao nhất từ năm 2015 đến nay, xấp xỉ 52 nghìn tỉ đồng.

Người lao động PV GAS

Người lao động PV GAS

Tiếp tục đà tăng trưởng đó, năm 2022 dự báo sẽ đánh dấu thêm một cột mốc mới của Petrovietnam cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, nộp ngân sách. Sản lượng khai thác của Petrovietnam từ đầu năm 2022 đến nay đã vượt kế hoạch 22% và tương đương với cùng kỳ năm 2021, mặc dù các mỏ đang trên đà suy giảm. Đó là nhờ các giải pháp quản trị kết hợp với khoa học công nghệ mà Petrovietnam đang áp dụng để cố gắng giữ mức sản lượng ổn định trong 3 năm trở lại đây. Công suất lọc dầu cũng vượt 8%; sản xuất phân bón vượt khoảng 9%; khí, điện cung cấp tối đa theo nhu cầu thị trường. Hiệu quả tài chính thông qua việc mở rộng thị trường tiêu thụ kết hợp kinh doanh quốc tế, khiến doanh thu và các chỉ tiêu tài chính trong 7 tháng năm 2022 tiếp tục tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể khẳng định, kết quả có được chính là dựa trên nền tảng quản trị và thành quả mà Petrovietnam đã gặt hái từ những năm 2020, 2021. Trong đó, quản trị biến động đóng vai trò quyết định.

Đầu năm 2022, chúng ta đã kịp thời dự báo được các hệ lụy từ cuộc chiến Nga – Ukraine, các xung đột tác động đến kinh tế vĩ mô sẽ khiến giá dầu thô tăng mạnh. Thị trường biến động sẽ dẫn đến khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước, đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhờ quản trị biến động, Petrovietnam có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản lượng lọc dầu, tận dụng được thời kỳ biên lợi nhuận của ngành lọc dầu rất cao. Ngành phân bón cũng có hiệu quả tốt do giá thị trường thuận lợi và sản xuất an toàn, ổn định. Đó là thành quả đến từ quản trị biến động, dự báo, xây dựng kịch bản, quyết liệt hành động mang tính hệ thống trong cả khối sản xuất và khối thương mại.

PV: Thời gian qua Petrovietnam rất quyết liệt trong chuyển đổi số (CĐS). Tổng giám đốc có thể cho biết, lộ trình CĐS của Petrovietnam cho đến thời điểm này đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng: Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, CĐS có ý nghĩa chiến lược đối với bất kỳ doanh nghiệp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh. Có thể khẳng định, hoặc là CĐS, hoặc là không tồn tại. Đó là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp chứ không chỉ riêng với Petrovietnam.

Ngay từ năm 2019, Petrovietnam đã thành lập Ban chỉ đạo về CĐS, sau đó là lựa chọn và thuê các đơn vị tư vấn để xây dựng tầm nhìn và chiến lược CĐS trong toàn Petrovietnam.

Sau khi đơn vị tư vấn đi khảo sát, đánh giá, kết quả cho thấy nhận thức về CĐS ở các đơn vị rất khác nhau và vẫn ở mức độ trưởng thành số khá thấp. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tìm mọi cách để làm sao từ lãnh đạo Petrovietnam đến lãnh đạo các đơn vị thành viên đều phải hiểu rõ, nhận thức rõ vai trò, bản chất của CĐS. Để thực hiện thành công CĐS, Petrovietnam đã xây dựng văn hóa về sự chia sẻ, phối hợp, kết hợp với quá trình đào tạo và nỗ lực học tập không ngừng. Nghe có vẻ rất không liên quan, nhưng về bản chất, CĐS chính là quá trình chuyển từ “sâu” thành “bướm”, dẫn đến thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh; chuyển từ cách làm hiện tại sang một cách làm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem đến hiệu quả cao hơn. Các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) là những công cụ ứng dụng trong quá trình CĐS. Qua quá trình này, Petrovietnam đã phổ quát được nhận thức về CĐS và vai trò của CĐS trong toàn hệ thống, biến nó thành một phần của văn hóa dầu khí.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động trên giàn điều khiển Trung tâm mỏ Sao Vàng

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động trên giàn điều khiển Trung tâm mỏ Sao Vàng

Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng và chính thức có được chiến lược về CĐS, có lộ trình tổng thể dài hạn về CĐS và tầm nhìn số, từ đó thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả SXKD. Về mặt tổ chức, Petrovietnam đã xây dựng, hình thành những cơ quan, bộ phận thường trực, bộ máy CĐS ở Petrovietnam và các đơn vị thành viên; đã số hóa được toàn bộ hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu; ứng dụng AI vào tối ưu hệ thống quản trị, phân tích dữ liệu, ví dụ như phân tích dữ liệu địa chất, thạch học, từ đó đưa vào khoan thăm dò, khoan tận thăm dò, tận khai thác… cũng như quá trình lập kế hoạch, quản lý vận hành và bảo dưỡng các nhà máy công nghiệp.

CĐS có các bước số hóa quy trình và dữ liệu, tối ưu hóa quy trình và dữ liệu, sau đó là dùng các công cụ (Cloud Computing, AI, IoT, Big Data…) để ứng dụng vào quá trình này… Hiện nay, Petrovietnam đang ở bước 2 và một số công việc đang ở giai đoạn đầu của bước thứ 3, là ứng dụng các công nghệ vào quản trị, điều hành SXKD ở các đơn vị, kể cả trong dự báo và quản trị biến động, đưa ra các định hướng, các khuyến cáo. Đó là những thành quả lớn trong CĐS của Petrovietnam tính đến thời điểm hiện tại.

PV: Tổng giám đốc có thể chia sẻ thêm về định hướng, mục tiêu của Petrovietnam trong những tháng cuối năm 2022? Sang năm 2023, phương châm hành động của Petrovietnam là gì?

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng: Petrovietnam sau 7 tháng năm 2022 đã đạt được những thành quả rất tích cực. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của Petrovietnam là phải giữ vững được thành quả đó. Điều này cũng không đơn giản bởi dự báo trong những tháng cuối năm 2022 sẽ có nhiều bất lợi, như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu… Đặc biệt, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU… lãi suất, lạm phát tăng mạnh; cuộc chiến Nga – Ukraine chưa kết thúc; khí hậu khô hạn nhiều nơi; đại dịch Covid-19… sẽ dẫn đến xu hướng thu hẹp sản xuất trên thế giới, xuất khẩu suy giảm, giảm nhu cầu tiêu thụ điện, khí… Đó là những rủi ro mà Petrovietnam phải quản trị được, thông qua dự báo, quản trị biến động, xây dựng kế hoạch dự phòng, tận dụng cơ hội để hoàn thành cao nhất kế hoạch SXKD năm 2022 và có tính dự phòng trong năm 2023.

Thứ hai là, cần tiếp tục quản trị tốt hệ thống sản xuất; quản trị tốt về tài chính, không chủ quan.

Thứ ba là, triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, đầu tư nội bộ để tận dụng cơ hội đầu tư.

Thứ tư là, phải xử lý rốt ráo, quyết liệt các dự án trọng điểm. Chẳng hạn, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 phải đi vào vận hành thương mại trong năm nay, có phương án cho Dự án NMNĐ Long Phú 1, Dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất, chủ trương Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Dự trữ năng lượng Long Sơn… Đặc biệt, Dự án khí điện Lô B phải có phương án triển khai đáp ứng thời điểm first gas tối ưu nhất.

Thứ năm là, phải xử lý triệt để các dự án khó khăn, tìm phương án thoát lỗ cho các công ty đang gặp khó.

Bước sang năm 2023, phương châm hành động của Petrovietnam cần dựa trên nền tảng của phát triển những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, tiếp tục củng cố và đổi mới công tác quản trị mà quản trị biến động là trọng tâm; tiếp đến là quản trị dựa trên nền tảng số đã hình thành trong những năm qua; tiếp tục thúc đẩy kết nối các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam với các nước và thị trường, tập trung tại Đông Nam Á, Nga và Trung Đông, Bắc Mỹ…

Tôi cho rằng, trong năm 2023, Petrovietnam cần phải nỗ lực quản trị theo hướng “tương lai sẽ là lực kéo, hiện tại và quá khứ chính là lực đẩy” để tiếp tục phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.

PV: Trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc!