Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí thế giới (SPE) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến: “Phát triển mỏ trưởng thành và công nghệ cải thiện/gia tăng hệ số thu hồi dầu”.

TS. Nguyễn Minh Quý – Phó Viện trưởng VPI điều hành session 6 với chủ đề Ứng dụng công nghệ số
Hội thảo gồm 6 phiên (session) với các chủ đề: (1) Các thách thức đối với mỏ trưởng thành và giải pháp cải thiện hệ số thu hồi dầu; (2) Mô hình hóa và đánh giá vỉa; (3) Kỹ thuật nâng cao hệ số thu hồi dầu và các phương pháp tiên tiến; (4) Quản lý mỏ và hiệu suất khai thác mỏ trưởng thành; (5) Tăng cường hệ số thu hồi thứ cấp; (6) Ứng dụng công nghệ số.
Cụ thể, các chuyên gia đã tập trung phân tích các thách thức khi sản lượng suy giảm sau thời gian dài khai thác; đánh giá mức độ trưởng thành của các mỏ đang trên đà suy giảm sản lượng; đánh giá ảnh hưởng của độ nhớt, lực mao dẫn đến khả năng di chuyển dầu khí trong hệ thống đứt gãy và khung đá; thảo luận các công nghệ mới phát triển và áp dụng thành công như bơm ép hóa phẩm, các thách thức trong bơm ép polymer, ứng dụng công nghệ hạt nano, hệ nhũ tương…
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai giải pháp bơm ép nước, bơm ép CO2, polymer cho các mỏ trưởng thành trên thế giới; tối ưu hóa bơm ép khí, nước luân phiên sử dụng mô hình “điện trở điện dung”; kinh nghiệm khai thác các giếng độ ngập nước cao trong móng nứt nẻ sử dụng bơm điện chìm; kỹ thuật tích hợp dữ liệu từ thăm dò, khai thác, quan trắc theo thời gian thực cải thiện khớp lịch sử khai thác; các phương pháp tiếp cận đánh giá upscaling dữ liệu thí nghiệm phục vụ thiết kế mô hình EOR; kinh nghiệm xây lộ trình phát triển EOR…
Ngoài ra, các giải pháp tối ưu quản lý khai thác toàn diện các mỏ trưởng thành ngoài khơi; tối ưu thời gian khai thác trong đời mỏ sử dụng công nghệ hoàn thiện giếng đa nhánh thông qua các case study cũng được các chuyên gia trao đổi và thảo luận sôi nổi.
Theo TS. Nguyễn Minh Quý – Phó Viện trưởng VPI, Hội thảo dành phần lớn thời gian trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu ứng dụng mới, áp dụng công nghệ số như: phát triển thuật toán tích hợp để lựa chọn công nghệ EOR tối ưu dựa trên kết quả các dự án đã áp dụng thành công trên thế giới; các thuật toán nâng cao hiệu quả trong quản lý bơm ép nước, polymer và tối ưu số lượng giếng bơm ép và giếng đan dày.
Với sự tham gia của 32 tổ chức/công ty dầu khí đến từ 18 quốc gia trên thế giới, Hội thảo đã tập trung trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài sản các mỏ đã trưởng thành, ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu khai thác/tăng cường thu hồi dầu và các trường hợp nghiên cứu/ứng dụng cụ thể trên thế giới.
Hội thảo đã tạo ra diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới; đồng thời là nơi các tổ chức nghiên cứu, các công ty dầu khí và các đơn vị tư vấn/dịch vụ cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, các cải tiến công nghệ hiện đại, các giải pháp và vấn đề liên quan đến công nghệ cải thiện/gia tăng hệ số thu hồi dầu và quản lý khai thác mỏ trưởng thành.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đang hợp tác với Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí thế giới (SPE) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển mỏ trưởng thành và công nghệ tối ưu khai thác/tăng cường thu hồi dầu” (Mature field development and IOR/EOR technology) từ ngày 28 – 29/9/2020 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu dài hạn do VPI đang thực hiện nhằm tìm kiếm các giải pháp nâng cao thu hồi dầu cho các mỏ trưởng thành của Việt Nam. TS. Nguyễn Hữu Trung – chuyên gia của VPI cho biết sau một thời gian dài khai thác, các mỏ dầu lớn của Việt Nam (như Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen…) đã đi vào giai đoạn suy giảm sản lượng, cùng với đó là độ ngập nước tăng cao tại một số giếng khai thác, đồng thời xuất hiện các hiện tượng phức tạp như: sa lắng muối, hình thành paraffin hay xuất hiện cát trong lòng giếng, làm giảm khả năng khai thác của giếng. Việc nghiên cứu các giải pháp kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ dầu khí đã trưởng thành là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành Dầu khí hiện nay.
Hội thảo sẽ tập trung trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài sản các mỏ đã trưởng thành, ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu khai thác/tăng cường thu hồi dầu và các trường hợp nghiên cứu/ứng dụng cụ thể trên thế giới.
Hội thảo gồm 9 phân ban (session) với các chủ đề chính: Thách thức quản lý mỏ trưởng thành và EOR; Đặc trưng và mô hình hóa vỉa chứa; Kỹ thuật, công nghệ các giải pháp EOR cao cấp; Quản lý khai thác mỏ trưởng thành; Cải thiện thu hồi dầu thứ cấp.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Hội thảo sẽ dành nhiều thời gian trao đổi về các giải pháp ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu khai thác và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý mỏ trưởng thành, nhằm kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu cho các mỏ tại Việt Nam…
Hội thảo là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới; đồng thời là nơi các tổ chức nghiên cứu, các công ty dầu khí và các đơn vị tư vấn/dịch vụ cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, các cải tiến công nghệ hiện đại, các giải pháp và vấn đề liên quan đến công nghệ cải thiện/gia tăng hệ số thu hồi dầu và quản lý khai thác mỏ trưởng thành.
Được thành lập năm 1978, các kết quả nghiên cứu khoa học của VPI là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn môi trường và kinh tế quản lý dầu khí… VPI đặt mục tiêu trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, nơi hội tụ trí tuệ thế giới để tạo giá trị khoa học công nghệ cho ngành Dầu khí Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
SPE là Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí uy tín có trụ sở chính tại Mỹ với hơn 153.000 thành viên từ 143 nước trên toàn thế giới và được đánh giá cao về các hoạt động khoa học chuyên môn.
Thông tin chi tiết liên hệ: TS. Phạm Quý Ngọc – Ban Khoa học Chiến lược Viện Dầu khí Việt Nam, email: ngocpq@vpi.pvn.vn.