Để thực hiện thành công điện khí hóa nông thôn, giúp 100% hộ dân được sử dụng điện vào năm 2020, giải pháp đầu tư năng lượng tái tạo không nối lưới cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa có điện đang được cộng đồng quan tâm.
Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành cấp điện cho 100% số xã trên cả nước, với tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt gần 99%. Với thành quả này, Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn. Thực tế, tỉ lệ người dân được sử dụng điện tại Việt Nam đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế bằng hoặc khá hơn như Indonesia, Philipines, Malaysia…
Hiện trên cả nước còn hơn 1% số hộ dân chưa được sử dụng điện, hầu hết các hộ dân này đều ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, bị cô lập về địa hình và nằm quá xa lưới điện quốc gia. Vì vậy, việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn trên cả nước sẽ được sử dụng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 (Chương trình 2081) vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là chưa kể, ở những khu vực này, dân cư thường sống rải rác, không tập trung, nên suất đầu tư cho một hộ dân khi kéo điện lưới quốc gia rất cao, trong khi mức tiêu thụ điện năng lại quá ít, doanh thu bán điện thấp…

Ảnh minh họa

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo phân tán, độc lập, không nối lưới cho những vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới có thể là một trong những giải pháp phù hợp. Dẫn chứng cụ thể, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (Green ID) cho biết, Green ID đã triển khai 2 mô hình năng lượng tái tạo không nối lưới ở Đắk Lắk, An Giang. Đó là mô hình hệ thống cấp điện mặt trời mini không nối lưới tại bản Erot – một bản xa xôi, hẻo lánh của xã Cư Pui, huyện Krongbong, tỉnh Đắk Lắk (cấp điện cho 23 hộ gia đình, 1 nhà thờ và 1 hệ thống cấp nước uống tinh khiết); và mô hình “Ấp sử dụng 100% tấm pin năng lượng mặt trời” xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (lắp đặt pin năng lượng mặt trời độc lập cho 274 hộ dân ở ấp Vồ Bà và Tà Lọt). Hệ thống điện mặt trời ở những khu vực này đã giúp các hộ dân có đủ điện phục vụ nhu cầu thiết yếu như: Thắp sáng, sử dụng quạt, xem tivi, nghe đài…
Cũng theo bà Khanh, những hộ dân ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhu cầu sử dụng điện không cao (chỉ khoảng 3 kWh/hộ gia đình/tháng). Do vậy, việc ứng dụng các mô hình năng lượng tái tạo tại chỗ như: Đèn xách tay năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ…, hoàn toàn có thể đáp ứng được. Giải pháp này vừa giúp người dân có điện sử dụng, vừa có thể giảm được chi phí so với kéo điện lưới quốc gia. Đó là chưa kể, ngành Điện cũng tiết kiệm được nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, vận hành, thu tiền điện… 
Tại Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn và tiếp cận điện cho người nghèo” vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng cho biết, hiện nay, các mô hình năng lượng tái tạo cấp điện không nối lưới cho khu vực nông thôn cũng đang trở thành xu hướng ở các nước trên thế giới. Ông Antoine Vander Elst – Tùy viên Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Năng lượng tái tạo không còn là giấc mơ xa vời hay là loại công nghệ đắt đỏ chỉ có ở các quốc gia giàu có. Nhờ sự phát triển rộng rãi của năng lượng tái tạo, giá thành đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây. Năng lượng tái tạo không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn cung cấp rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, giúp cho người nghèo có thể tiếp cận và sử dụng điện”.
Năm 2017, đầu tư toàn cầu cho các giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới đã đạt 284 triệu USD; trong đó khu vực Đông Phi chiếm 57%. Riêng khu vực châu Á, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo độc lập không nối lưới đã tăng từ 1,3 GW năm 2008 lên 4,3 GW vào năm 2017. Trên toàn thế giới, cũng đã có hơn 130 triệu người sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới, để đáp ứng các nhu cầu thắp sáng và một số dịch vụ cơ bản, thiết yếu của cuộc sống. 
Có thể thấy phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp khả thi để Việt Nam hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho 100% hộ dân trên toàn quốc. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực, đặc biệt trong huy động vốn đầu tư; tăng cường hợp tác công – tư, nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài ra, cần tăng cường chuyển giao công nghệ, thành lập và đào tạo các đội thợ địa phương để lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng hệ thống điện năng lượng tái tạo tại chỗ…  
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức vừa phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam”.
Trong khuôn khổ của Dự án, GIZ đã hợp tác chặt chẽ với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư, tăng cường các điều kiện về khung pháp lý và quy định.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi Lễ.

Đồng thời, Dự án đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt – Đức về năng lượng gió trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, trong khuôn khổ “Sáng kiến công nghệ Khí hậu Đức”.
Một thành công lớn của Dự án là góp phần tư vấn Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định về tăng giá điện gió vào tháng 9/2018.
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Việc giải quyết thiếu hụt về năng lượng sơ cấp, đặc biệt đối với than nhập khẩu từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro về nguồn cung, giá và công tác vận chuyển.
“Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh cả về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành khẳng định, những hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua Dự án này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu… Đến nay, Dự án đã được triển khai thành công và hiệu quả.
Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Đại sứ quán Đức) cho biết: Năm 2013, Chính phủ hai nước đã thống nhất ưu tiên hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Hiện tại, sau 5 năm triển khai, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có ý định đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. Dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư đó vào Việt Nam.
Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và có hơn 3.000 km đường bờ biển bao quanh, với tiềm năng lý thuyết điện gió trên cả nước ước đạt 27 GW, Việt Nam được coi là quốc gia giàu tiềm năng để phát triển điện gió.
Với 12 dự án điện gió được phê duyệt, trong đó 4 dự án đã triển khai, Ninh Thuận đang trở thành một trong những địa phương đi đầu về phát triển điện gió. Tôi đến Ninh Thuận để nghe những câu chuyện về việc “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư tại địa phương này.
Biến gió thành điện
Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Ninh Thuận là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất cả nước. Tốc độ gió trung bình ở độ cao 65m, đạt 7,25 m/s, bảo đảm cho turbin gió phát điện ổn định. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, lợi thế này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Đến thăm dự án Điện gió Đầm Nại (công suất 40 MW) tại huyện Ninh Hải và Thuận Bắc do Công ty cổ phần Điện gió Đầm Nại làm chủ đầu tư, chúng tôi được biết, hiện 3 turbin, tổng công suất hơn 6 MW đã được đưa vào hoạt động. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong năm 2018. Nay mai, những “cối xay gió” này sẽ biến gió thành điện. Ngoài Đầm Nại, các dự án khác cũng đang được thực hiện khẩn trương để đưa gió thành nguồn năng lượng mới, phát điện trong năm 2018.
Với dự án Điện gió Trung Nam, ông Trần Đức Xuyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam, cho biết: “Sau khi giai đoạn 1, Công ty đã quyết định đầu tư gần 9.000 tỷ đồng triển khai kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời tại xã Bắc Phong, Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Dự kiến tháng 6/2019, công trình sẽ hoàn thành, với 40 trụ điện gió và 700.000 tấm pin năng lượng mặt trời… Đây là dự án năng lượng tái tạo kết hợp gió và mặt trời với tổng công suất 309,75 MW, lớn nhất và lần đầu tiên xây dựng tại Việt Nam”.

Ảnh minh họa

Hiện thực hóa giấc mơ…
Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015 – 2020 tầm nhìn 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển các dự án điện gió, với tổng công suất 1.429 MW. Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ.
Tôi hiểu rằng, Ninh Thuận đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư điện gió. Có thể kể đến một số ưu đãi cụ thể như: Chủ đầu tư dự án được miễn tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt quá trình thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu…
Ông Phạm Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 31/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Tiềm năng lớn, lại có những cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của Chính phủ, Ninh Thuận đã thực sự sẵn sàng trở thành trung tâm điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung của cả nước.
Cũng theo ông Phạm Văn Hậu, Ninh thuận ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại và có quyết tâm cao nhất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động thương mại sẽ đóng góp rất lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
“Hóng” chuyện điện gió ở Ninh Thuận, tôi tin rằng, vùng đất đầy nắng đầy gió này đã, đang thực sự biến khó khăn trở thành lợi thế.