Tiếp tục thực hiện một trong các mục tiêu quan trọng về việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tập đoàn tại Chiến lược Đào tạo và Phát triển nhân lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến 2025, trong tháng 4 và 5, Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) đã tổ chức hai khóa học “Phân tích PVT vỉa khí condensate” (20-24/04/2015) và “Minh giải đặc điểm tầng chứa bằng phân tích mẫu lõi” (11-15/05/2015) – đây là các khóa trong chương trình đào tạo chuyên gia E&P do Viện Dầu khí Việt Nam xây dựng.

TS. Nguyễn Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam giảng bài

Các khóa học được TS. Nguyễn Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam – một trong các chuyên gia hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam về lĩnh vực công nghệ mỏ và khai thác – dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng và giảng dạy. Ngoài việc hệ thống hóa kiến thức, giảng viên đã tập trung nhiều vào phần tính toán các thông số với rất nhiều bài tập được giao ngay trên lớp đồng thời yêu cầu học viên tự hoàn thành ngoài giờ lên lớp.
Khóa học “Phân tích PVT vỉa khí condensate” tập trung vào các phương pháp đánh giá tính chất chất lưu của vỉa khí condensate bằng phân tích PVT trong phòng thí nghiệm, và dựa trên các số liệu được đưa ra để thực hành phân tích trạng thái pha chất lưu trong vỉa liên quan đến quá trình khai thác các loại mỏ từ dầu nặng, dầu dễ bay hơi, condensate khí, khí ẩm đến khí khô. Giảng viên cũng nhiệt tình chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về công nghệ mỏ và một số kết quả ứng dụng thực tế cho các vấn đề thực tiễn trong công nghệ mỏ ứng dụng cho vỉa khí condensate.
Với kiến thức uyên bác và đặc biệt kinh nghiệm thực tế phong phú qua nhiều năm làm Trưởng phòng Phân tích Mẫu Lõi và PVT của Viện, trong khóa “Minh giải đặc điểm tầng chứa bằng phân tích mẫu lõi” TS. Nguyễn Hữu Trung đã giúp học viên hiểu cặn kẽ lý thuyết về phân tích mẫu lõi từ phân tích mẫu lõi thông thường đến phân tích mẫu lõi đặc biệt. Từ những kiến thức trên, học viên đã tiến hành tính toán các thông số của mẫu lõi dựa trên với những số liệu thực tế được nêu ra trong phần bài tập thực hành.
Đây là các khóa chuyên sâu, với yêu cầu đối tượng học viên tham dự phải là các cán bộ đã có kinh nghiệm chuyên môn về khai thác và công nghệ dầu khí. Các học viên tới từ TNK Vietnam B.V., PC Vietnam Limited, Tổng công ty Thăm dò Khai thác (PVEP), Trung tâm Tìm kiếm Thăm dò Khai thác Dầu khí (EPC), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đều đánh giá khóa học thật sự hữu ích cho công tác của mình tại đơn vị.
Sau đây là một số hình ảnh của hai khóa học:
* Khóa “Phân tích PVT vỉa khí condensate”:

Học viên trình bày kết quả bài tập trên lớp

Các học viên nhận chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học.

* Khóa “Minh giải đặc điểm trầm tích bằng phân tích mẫu lõi”:

TS. Nguyễn Hữu Trung giới thiệu tổng quát về nội dung chương trình giảng dạy của khóa học.

TS. Nguyễn Hữu Trung giảng bài tập thực hành cho học viên

Các học viên tham quan phòng kho mẫu của VPI

CPTI xin trân trọng gửi đến quý đơn vị thông tin về các khóa đào tạo sẽ được tổ chức trong tháng 06/2015, chi tiết xin xem tại file đính kèm
Tin & Ảnh: Trung tâm Đào tạo & Thông tin Dầu khí (CPTI)
Trong khoảng thời gian từ ngày 05/11 đến ngày 16/11/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Dầu khí Việt Nam – Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) đã tổ chức chương trình đào tạo “Method of dynamic analysis of oil and gas field development process” với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu Viện Dầu Quốc gia Azerbaijan: Giáo sư Arif Suleymanov, Giáo sư Haji Malikov và Giáo sư Arif Mamadzade, trợ giảng – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung, cùng với đông đảo các anh chị học viên đến từ các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Biển Đông POC và Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVDMC).
Các chuyên gia Azerbaijan đã có dịp chia sẻ những kiến thức hữu ích và thực tiễn về các phương pháp phân tích động học của quá trình phát triển các mỏ dầu khí. Cùng với sự trợ giảng nhiệt tình, tận tâm của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung làm cầu nối giữa giảng viên với học viên, giúp cho các giờ học trở nên sôi nổi hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự tham gia nhiệt tình, nghiêm túc và tinh thần ham học hỏi, chia sẻ của các anh chị học viên về thực tế công việc cũng đã góp phần cho khóa học thành công. Học viên đánh giá rất tốt nội dung và công tác tổ chức khóa học.
Chương trình này không chỉ là nơi trao đổi kiến thức về kỹ thuật Dầu khí mà còn là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa PetroVietnam và Viện Dầu Quốc gia Azerbaijan. Trong thời gian lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, các giảng viên được VPI/CPTI tổ chức thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, các danh lam thắng cảnh để hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.   
Khóa học đã diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào chiều ngày 16/11/2018
Dưới đây là một số hình ảnh về khóa học:
Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) đã tổ chức khóa học “Nâng cao hệ số thu hồi dầu” từ ngày 24 – 27/8/2018 tại Hà Nội cho các cán bộ thuộc phòng EOR và Công nghệ Mỏ của Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí (EPC). Khóa đào tạo do TS. Nguyễn Hữu Trung – Chuyên gia của Viện – giảng dạy.
 
Các nội dung được đề cập trong khóa học bao gồm:
– Các tính chất của đá chứa và chất lưu;
– Trạng thái pha và phương trình trạng thái EOS;
– Hiệu quả đẩy quét dầu khí;
– Hiệu quả bao quét và kiểm soát độ linh động;
– Quá trình đẩy quét trộn lẫn EOR;
– Các phương pháp hóa học EOR;
– Các tiêu chí lựa chọn EOR sơ bộ.
Một số hình ảnh về khóa học:

Giảng viên và các học viên

Được sự hỗ trợ của Hiệp hội các nhà Địa chất và Kỹ sư Châu Âu (EAGE), Viện Dầu khí Việt Nam đã giao cho Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) tổ chức chuyên đề “Petrophysics of Fractured Granite Basement Reservoir”, ngày 02/4/2015, tại Hà Nội.

PGS.TS. Phạm Huy Giao giảng bài tại lớp học.

Đến tham dự chuyên đề các nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Dầu khí của Viện Dầu khí Việt Nam, các kỹ sư địa chất, địa vật lý, công nghệ mỏ, khoan, khai thác của Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Ban Khoa học Chiến lược, Ban Công nghệ Thông tin, ngoài ra còn có các sinh viên của Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, cán bộ kỹ thuật thuộc Ban Khai thác, Ban Đào tạo và Phát triển Nhân lực của Tập đoàn Dầu khí. PVT. TS. Nguyễn Hữu Trung và TS. Nguyễn Hồng Minh cũng tham dự và tham gia trao đổi với lớp học.
Chuyên đề được PGS.TS. Phạm Huy Giao với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về đối tượng đá móng granit, trình bày. PGS. TS. Phạm Huy Giao hiện là điều phối và giảng viên của chương trình Địa thăm dò và Địa công nghệ Dầu khí (Geo-exploration and Petroleum Geoengineering-GEPG), của Học viện Công nghệ Châu Á (AIT). TS. Giao quan tâm nghiên cứu và đã công bố nhiều công trình về phương pháp tính, mô hình hóa, địa vật lý thăm dò, minh giải địa vật lý giếng khoan, vật lý thạch học…
Chuyên đề được chia làm hai phần chính: Phần I giới thiệu về những đặc điểm địa chất, sự hình thành, phá hủy, nứt nẻ,…trong đá granit; Phần II: Giới thiệu chi tiết các tính chất và các phương pháp địa chất, địa vật lý để phân tích đặc điểm vật lý thạch học của đá móng nứt nẻ granit. Song song với bài giảng, giảng viên còn chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu của mình về đối tượng đá móng granit nứt nẻ chứa dầu tại các khu vực trên thế giới. Một số vấn đề đã được nêu lên mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và nhận được đông đảo sự quan tâm từ các sinh viên và cán bộ trẻ như: Sự tương đồng và khác nhau giữa đá móng nứt nẻ và đá chứa carbonat?; Mô hình hóa 3D đối tượng đá móng? Tính chất bất đẳng hướng của đá móng? Mối quan hệ giữa độ rỗng và độ thấm trong đá móng? Các thông số đưa vào tính toán độ rỗng, độ bão hòa,… từ tài liệu địa vật lý giếng khoan?
Sau phần bài giảng, phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ học viên, PGS.TS. Phạm Huy Giao đã nhiệt tình trả lời, giải đáp và gợi mở ra những hướng nghiên cứu đồng thời chia sẻ với học viên kinh nghiệm sau nhiều năm công tác của mình trong lĩnh vực nghiên cứu đối tượng đá móng granit. Mặc dù với thời lượng ngắn nhưng những kiến thức và kinh nghiệm được truyền đạt thông qua bài giảng và thảo luận trong chuyên đề giảng dạy đã được các cán bộ của Viện và sinh viên đánh giá cao. Sau đây là một số hình ảnh của lớp học.

TS. Nguyễn Hữu Trung – chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu về đá móng nứt nẻ với lớp học.

TS. Nguyễn Hồng Minh – cảm ơn và trao quà lưu niệm cho PGS.TS. Phạm Huy Giao

Các cán bộ và sinh viên tham dự chụp ảnh lưu niệm với PGS. TS. Phạm Huy Giao

Tin&bài: Trung tâm CPTI
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Viện Dầu khí Việt Nam (1978-2018), ngày 12/6 tại TP HCM, VPI phối hợp với NACE International tổ chức hội thảo “Vấn đề ăn mòn trong ngành công nghiệp dầu khí – Thách thức và Giải pháp” (Corrosion in the oil and gas industry – Challenges and Solutions).

Bà Melanie Diaz – Quản lý cấp cao, Phòng Giáo dục của NACE International trao đổi với đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo đã thu hút 130 cán bộ kỹ thuật thuộc 50 công ty dầu khí trong nước và khu vực tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, bà Melanie Diaz – Quản lý cấp cao, Phòng Giáo dục của NACE International đã giới thiệu về NACE International và hệ thống các chương trình đào tạo.
NACE International là tổ chức chuyên nghiệp phi lợi nhuận cho ngành công nghiệp kiểm soát ăn mòn, được thành lập vào năm 1943 với tư cách là Hiệp hội các kỹ sư ăn mòn quốc gia. Trụ sở chính của NACE International đặt tại Houston, Texas (Mỹ) và các văn phòng đại diện ở khắp các châu lục trên thế giới.
Bà Melanie Diaz nhấn mạnh, thông qua các đối tác, trong đó có Viện Dầu khí Việt Nam – Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI), NACE muốn phát triển các chương trình đào tạo trong lĩnh vực chống ăn mòn tại Việt Nam, đặc biệt đối với ngành công nghiệp dầu khí và năng lượng.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp tọa đàm, thể hiện nhiều quan điểm của các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu ăn mòn, kiểm soát ăn mòn, cách triển khai các phương pháp cô lập, ức chế ăn mòn trong thực tiễn và kết quả ở một số đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Lan Oanh – Phó Giám đốc Phụ trách CPTI trả lời các câu hỏi tại hội thảo

Phần thảo luận, hỏi – đáp sôi nổi giữa người tham dự và diễn giả về các vấn đề: Phương thức tham gia vào hệ thống chia sẻ kinh nghiệm chống ăn mòn của NACE, các giải pháp ứng dụng đánh giá và xử lý vấn đề ăn mòn cho công trình dầu khí ở Việt Nam, lựa chọn hóa chất ức chế ăn mòn, cách thức đánh giá và ngăn ngừa ăn mòn trong điều kiện vận hành khắc nghiệt, các chương trình đào tạo và phát triển chuyên gia về chống ăn mòn… qua đó phần nào giúp các cán bộ, chuyên viên của các công ty dầu khí có thêm phương án để lựa chọn trong công tác phòng chống ăn mòn tại đơn vị.

Ông Châu Khiếu Minh – Phó Giám đốc CPTI phát biểu tại hội thảo

Ông Châu Khiếu Minh – Phó Giám đốc CPTI, đơn vị tổ chức hội thảo chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý dự án, cán bộ kỹ thuật gặp gỡ, tham vấn ý kiến, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế về công tác kiểm soát ăn mòn và bảo toàn các công trình dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn…”.
“Ngoài những dịch vụ phân tích, tư vấn kỹ thuật và cung cấp sản phẩm chống ăn mòn (anode hy sinh) đã được thị trường ghi nhận, VPI cũng tăng cường hợp tác với NACE để triển khai các chương trình đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, phát triển chuyên gia trong lĩnh vực chống ăn mòn cho các đơn vị”, ông Châu Khiếu Minh cho hay.

Các diễn giả nhận kỷ niệm chương từ Ban tổ chức hội thảo

VPI với thế mạnh về hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ dầu khí và năng lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm, đào tạo, cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật, kết nối các nguồn lực nhằm phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành Dầu khí, hướng đến trở thành địa điểm hội tụ, chuyển giao và chia sẻ tinh hoa tri thức dầu khí, góp phần phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam.
Từ ngày 15-19/06/2015, Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) đã tổ chức thành công hai khóa học chuyên sâu trong lĩnh vực Địa hóa cho các CBNV đến từ Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm, Thăm dò và Khai thác Dầu khí (EPC) và Trung tâm Phân tích thí nghiệm (VPI-Labs): Khóa học “Basic Principles and Technology of Maturity Modeling” diễn ra trong 03 ngày từ 15-17/06/2015 và khóa học “Biomarkers and Carbon Isotopes: Technologies and Exploration Applications” diễn ra trong 02 ngày từ 18 -19/06/2015.
Hai khóa học trên được giảng dạy bởi Tiến sĩ Douglas Waples – Chủ tịch Công ty Sirius Exploration Geochemistry, USA. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực địa hóa và mô hình hóa bể trầm tích. Ông cũng tham gia phát triển một số phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực địa hóa. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy về địa hóa tại hơn 25 quốc gia và từng là giáo sư tại Đại học Mỏ Colorado, Đại học Brunei Darussalem và Đại học Chulalongkorn – Thái Lan.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng cùng với phong cách giảng dạy gần gũi, nhiệt tình và dễ hiểu, TS. Douglas Waples đã đem lại không chỉ kiến thức cho các học viên mà còn mang đến một phong cách làm việc chuyên nghiệp. Theo ông Douglas chia sẻ tại buổi tổng kết khóa học: “Các bạn trẻ của VPI sau khi học xong khóa học này nói riêng và các khóa học khác nói chung nên về đơn vị mình tổ chức đào tạo lại cho các bạn khác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nghiên cứu ứng dụng các kiến thức đã học được vào công việc và học hỏi lẫn nhau qua công việc thực tế tại đơn vị. Các bạn đừng bao giờ trông chờ vào một khóa học hay một vị giáo sư danh tiếng nào đó ở nước ngoài sẽ mang đến thành công cho bạn. Tự học hỏi là cách tốt nhất và hiệu quả để đạt mục tiêu. Tôi tin rằng bằng cách đó các bạn sẽ thành công”. Sau khi kết thúc khóa học, TS. Douglas Waples vẫn tiếp tục liên lạc và gửi các tài liệu liên quan đến khóa học cho các học viên theo yêu cầu. Ông cũng đã gửi bản dùng thử phần mềm Novva trong vòng 30 ngày để các học viên có thể thực hành các kiến thức đã học.
Chị Nguyễn Thị Oanh Vũ – Chuyên viên Phòng Địa hóa của Trung tâm Phân tích thí nghiệm (VPI-Labs) học viên tham dự 02 khóa học trên nhận xét: “Tôi rất cảm kích TS. Douglas Waples về thái độ làm việc chuyên nghiệp, kiên nhẫn lắng nghe và trả lời các câu hỏi của chúng tôi trong suốt thời gian diễn ra khóa học. Tôi tin rằng tất cả những kiến thức và ý tưởng mà chúng tôi nhận được từ 02 khóa học chuyên sâu này rất hữu dụng trong công việc của chúng tôi. 02 khóa học với thời lượng 5 ngày dành cho các kỹ sư địa chất là chưa đủ ngay cả khi họ là chuyên gia, tuy nhiên, chúng tôi đã học được nhiều điều mới, những công nghệ hiện đại và đặc biệt là phương pháp và cách xử lý vấn đề”.
Việc tiếp tục giữ liên lạc giữa giảng viên và học viên sau khi khóa học kết thúc để trao đổi, chia sẻ sâu hơn các vấn đề thực tế là một trong những nét đặc trưng trong công tác tổ chức đào tạo tại CPTI. CPTI đã và đang tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyến với tinh thần sẵn sàng chia sẻ để thành công./.
Việc tối ưu hóa hoạt động của các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam trong điều kiện các nhà máy lọc dầu trong khu vực và trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh vô cùng gay gắt nhất là trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh như hiện nay là vấn đề cần được đầu tư và quan tâm. Nhận thức được sự cần thiết đó, Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) đã tổ chức 02 khóa đào tạo “Kinh tế nhà máy lọc dầu – Refinery Economics” và “Kinh doanh dầu thô và các vấn đề cung ứng, quản lý – Crude Oil Supply, Trading and Economics” tại TP.Quảng Ngãi từ 22-28/05/2015 cho các anh chị học viên đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty TNHH 1TV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Khóa học “Kinh tế nhà máy lọc dầu – Refinery Economics”
Khóa học “Kinh tế nhà máy lọc dầu” trang bị cho người tham dự nhiều kiến thức liên quan đến công nghệ lọc hóa dầu, kinh tế trong nhà máy lọc dầu, các vấn đề quản lý liên quan, như lập kế hoạch, quản lý chi phí, tối ưu hóa các mô hình chuỗi cung ứng sản xuất,… Đặc biệt, khóa học đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của kinh tế lọc dầu là kỹ thuật quy hoạch tuyến tính (LP), kinh tế các phân xưởng chế biến lọc dầu (CDU, Hydrocraking, Hydrotreating, Isomer hóa, Reforming, RFCC), phương pháp đánh giá nguyên liệu và các sản phẩm trung gian… (Chi tiết chương trình khóa học tại đây). Khóa học “Kinh doanh dầu thô và các vấn đề cung ứng, quản lý” mang đến cho học viên các kiến thức nền tảng trong lĩnh vực mua bán, vận chuyển và kinh doanh dầu thô. Đặc biệt, học viên được tiếp cận với các tình huống thực tế thông qua “trading-game” để hiểu sâu hơn các vấn đề thường gặp trong đánh giá chất lượng dầu thô, các dạng hợp đồng mua bán, phương pháp tính giá cước vận chuyển dầu thô đến cảng,… (Chi tiết chương trình khóa học tại đây).
Khóa học “Kinh doanh dầu thô và các vấn đề cung ứng, quản lý – Crude Oil Supply, Trading and Economics”
Giảng viên là ông Trương Như Tùng, hiện là chuyên gia vận hành cao cấp của Tập đoàn ENI Deutschland và là đại diện vốn góp của Tập đoàn ENI tại các nhà máy lọc dầu BayernOil, PCK. Trong suốt khóa học, các học viên đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và nhận được sự chia sẻ rất nhiệt tình của giảng viên về thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế lọc dầu, đặc biệt là sự chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết một số vấn đề chuyên môn tại các đơn vị (BSR, PVOIL, PVEP). Kết thúc khóa học, các học viên đều đánh giá cao những kết quả thu hoạch được sau chương trình đào tạo, góp phần hữu ích trong quá trình phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu của Việt Nam nói chung và PetroVietnam nói riêng.