Kỳ I: Đối tượng móng mỏ Bạch Hổ và quá trình khai thác
Trữ lượng dầu tầng móng Bạch Hổ thuộc nhóm cực lớn. Sau hơn 30 năm khai thác, đến nay trữ lượng thu hồi còn lại có khả năng khai thác của mỏ Bạch Hổ đang tồn tại trong: (i) các khe nứt, hang hốc chưa khai thác ở phần nóc của thân dầu, (ii) hệ thống khe nứt macro thuộc phần giữa của thân dầu (dầu dư bão hòa – saturated oil residues chưa quét đẩy hết); (iii) đới vi nứt nẻ và nứt nẻ một chiều không liên thông; (iv) phần nóc móng nhô cao mà trước đây chưa xác định được và chưa mở vỉa; (v) những thể tích còn sót do chưa xác định chính xác đới nứt nẻ hoặc quỹ đạo khoan chưa đến được.

Bơm ép nước cho đến nay là giải pháp hiệu quả nhất góp phần quan trọng tăng lưu lượng các giếng, ổn định tỷ số khí – dầu, nâng cao hệ số thu hồi dầu và đặc biệt là ổn định sản lượng dầu khai thác khối Trung tâm tầng móng Bạch Hổ. Tuy nhiên, bơm ép nước chỉ hiệu quả ở các khu vực kiến tạo dập vỡ mạnh, các đới nứt nẻ liên thông tốt, độ thấm tốt và sẽ không hiệu quả ở các khu vực mà cường độ hoạt động kiến tạo yếu, hoặc do thành phần thạch học mà mức độ dập vỡ đất đá thấp, các khe nứt ít liên thông, độ thấm kém. Bơm ép nước duy trì áp lực vỉa trên áp suất bão hòa cũng không phải hiệu quả ở tất cả các giai đoạn khai thác, đặc biệt đối với giai đoạn cuối cần điều chỉnh theo hướng giảm.
Thách thức lớn nhất ở mỏ Bạch Hổ hiện nay là: độ ngập nước tăng nhanh kể cả các giếng chủ lực; ranh giới dầu – nước ở khối Trung tâm chỉ còn cách nóc móng xung quanh 100m, có nơi chỉ còn cách nóc móng 18m; hệ số thu hồi dầu của 2 khối Nam và Đông Bắc rất thấp, tương ứng là 1,9% và 1,3%; khai thác và nâng cao hệ số thu hồi dầu tầng móng từ các đới vi nứt nẻ vô cùng khó khăn.
Trên cơ sở đó, tác giả phân tích cấu trúc địa chất và kiến tạo của mỏ Bạch Hổ, thành phần thạch học và tính chất đá chứa, tính chất dầu vỉa, trữ lượng tầng móng, từ đó đánh giá thực trạng khai thác, đề xuất các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cụ thể cho từng khu vực và đối tượng nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu giai đoạn cuối đối tượng móng mỏ Bạch Hổ.
Phùng Đình Thực
Bài báo trình bày bài toán phân tích ổn định nguyên vẹn và ổn định có tổn thất cho giàn khoan tự nâng 400ft – Tam Đảo 05 theo yêu cầu của tiêu chuẩn ABS và IMO. Tải trọng gió được tính toán dựa trên mối quan hệ giữa góc nghiêng và các mớn nước trong trường hợp ổn định nguyên vẹn và ổn định có tổn thất.

Trong phân tích ổn định nguyên vẹn, vận tốc gió yêu cầu cho di chuyển nội mỏ và di chuyển đại dương tương ứng là 36m/s (70knot) và 51,5m/s (100knot). Đối với phân tích ổn định có tổn thất vận tốc gió yêu cầu là 25,72m/s (50knot).
Bài báo cũng giới thiệu phương pháp xây dựng mô hình tính toán phân tích ổn định trong trạng thái nổi và di chuyển; đưa ra các kiến nghị về quy trình tính toán thực hành và xử lý dữ liệu phân tích; ứng dụng phân tích tính toán ổn định cho giàn khoan Tam Đảo 05 trong điều kiện biển Việt Nam.
Ngô Tuấn Dũng, Phan Thanh Sơn, Lê Huy
Nguyễn Văn Quân, Đỗ Thanh Phương, Trần Công Thành
Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard)
Quản trị rủi ro tốt giúp doanh nghiệp kiểm soát và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi các rủi ro xảy ra thông qua việc kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó đã được chuẩn bịtrước đó.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thiếu các quy định, hướng dẫn và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả hệ thống quản trị rủi ro. Bài báo phân tích sự cần thiết của công tác quản trị rủi ro, giới thiệu các mô hình quản trị rủi ro doanh nghiệp theo thông lệ tốt đang được áp dụng trên thế giới hiện nay.
Hiện tượng sa lắng muối ở vùng cận đáy giếng và trong các thiết bị công nghệ khai thác ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chất thấm chứa của tầng sản phẩm, làm giảm đáng kể lưu lượng khai thác.

Bài báo phân tích hiện tượng sa lắng các tinh thể muối trong dung dịch nước đồng hành, vai trò và cơ chế, tác dụng của các chất phụ gia ức chế sa lắng muối; quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất chất phụ gia ức chế sa lắng muối DPEC Antiscalant-2 tại các giếng khoan khai thác dầu khí ở Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro”.
Bùi Việt Đức, Ngô Văn Tự, Đặng Của, Bùi Trọng Khải, Bùi Việt Phương
Công ty TNHH MTV Công nghệ Khoan – Khai thác và Môi trường – DPEC
Đồng phân hóa naphtha nhẹ là một quá trình quan trọng được sử dụng ở các nhà máy lọc dầu nhằm chuyển hóa phân đoạn naphtha nhẹ chưng cất trực tiếp có trị số octane thấp thành sản phẩm đồng phân hóa có trị số octane cao hơn dùng để pha trộn xăng.

Nghiên cứu mô phỏng động sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình vận hành và hoạt động, nhằm đánh giá thay đổi các điều kiện công nghệ, điều kiện vận hành trong các nhà máy lọc dầu, tính cân bằng vật chất, cân bằng năng lượng và tối ưu hóa các dòng công nghệ trong phân xưởng. Nghiên cứu này sử dụng phần mềm mô phỏng Unisim Design (Honeywell/UOP) để mô phỏng, tính toán thông số. Các số liệu thu được có thể sử dụng trong quá trình vận hành, điều khiển công nghệ và tối ưu hóa điều kiện tỷ lệ dòng hydro/hydrocarbon cho phân xưởng đồng phân hóa.