PVN bổ nhiệm lại TS. Nguyễn Minh Quý giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Ngày 29/10/2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Lễ trao Quyết định bổ nhiệm lại có thời hạn TS. Nguyễn Minh Quý giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) theo Quyết định số 6168/QĐ-DKVN ngày 27/10/2021.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và VPI chúc mừng TS. Nguyễn Minh Quý được bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Viện trưởng VPI

Phát biểu tại Lễ trao quyết định, TS. Lê Xuân Huyên – Phó Tổng Giám đốc PVN chúc mừng TS. Nguyễn Minh Quý được lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng, giao trọng trách tiếp tục giữ chức vụ Phó Viện trưởng VPI. Trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới biến động mạnh, xu hướng chuyển dịch năng lượng đã và đang tác động lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, TS. Lê Xuân Huyên đã giao nhiệm vụ TS. Nguyễn Minh Quý cùng Ban lãnh đạo và các nhà khoa học VPI tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, định hướng chiến lược của PVN để phát triển bền vững, mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
TS. Phan Ngọc Trung – Thành viên Hội đồng thành viên PVN đánh giá VPI trong thời gian qua đã có những tư vấn kịp thời cho PVN trong lĩnh vực thăm dò khai thác, hóa chế biến dầu khí, đặc biệt là công tác quản lý – quản trị. TS. Phan Ngọc Trung mong rằng VPI đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần giảm chi phí thăm dò, khai thác dầu khí.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, TS. Nguyễn Minh Quý cho biết sẽ cùng Ban lãnh đạo VPI tiếp tục xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu phát triển, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi tìm kiếm – thăm dò, chế biến và kinh tế, quản lý với mô hình các nhóm nghiên cứu hạt nhân chuyên sâu, tăng cường hợp tác/liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, phát triển VPI thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của ngành với nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ và quản lý trong các lĩnh vực hoạt động của PVN.
Về định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ khoan – khai thác của VPI trong 5 năm tới, TS. Nguyễn Minh Quý cho biết sẽ đề xuất và triển khai 2 hướng nghiên cứu: Nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong khoan (Slimhole, slim down…); các giải pháp, vật liệu mới trong thiết kế, chế tạo hệ thống công nghệ, thiết bị, đường ống khai thác nhằm giảm chi phí phát triển mỏ với mục tiêu đưa các mỏ nhỏ, cận biên vào khai thác hiệu quả; mục tiêu tới 2025 có ít nhất một giải pháp công nghệ được nghiên cứu, thử nghiệm, được đánh giá khả thi để triển khai trên mỏ. Hướng nghiên cứu về các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu phù hợp với điều kiện các mỏ dầu ở Việt Nam, tập trung vào giải pháp bơm ép khí trong đó cần quan tâm tới giải pháp bơm ép khí CO2 với việc kết hợp các nghiên cứu giải pháp hiệu quả trong thu gom khí CO2 từ các nhà máy và mỏ khí có hàm lượng CO2 cao với giải pháp vận chuyển, bơm ép trên quy mô lớn nhiều mỏ để chia sẻ chi phí sẽ là giải pháp đem lại cả hiệu quả kinh tế và và hiệu quả lưu trữ CO2 ; mục tiêu 5 năm sẽ đề xuất và triển khai chương trình nghiên cứu với kết quả là giải pháp tổng thể cho thu gom, vận chuyển và sử dụng khí CO2 cho mục tiêu kép nâng cao hệ số thu hồi dầu và lưu trữ khí CO2 giảm khí phát thải, phù hợp với các yêu cầu về hành động bảo vệ môi trường của thế giới mà Việt Nam đang tích cực tham gia.