Tác động vĩ mô từ việc thay đổi thuế giá trị gia tăng đối với phân bón

Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật thuế 71) quy định phân bón sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, chính sách này không đạt hiệu quả như kỳ vọng, do việc không khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi mua nguyên/nhiên liệu đầu vào, thiết bị sản xuất đã khiến giá thành sản xuất các loại phân bón trong nước tăng từ 6 – 8%.

Không được khấu trừ VAT đã khiến giá thành sản xuất các loại phân bón trong nước tăng từ 6 – 8%. Ảnh: PVFCCo

Từ sau năm 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng trung bình khoảng 600 – 800 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, 2 đơn vị sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), mặc dù đã áp dụng các giải pháp để tiết giảm chi phí, con số này dao động trung bình trong khoảng 300 – 400 tỷ đồng/năm. Theo ước tính của PVCFC, nếu mức thuế giá trị gia tăng được áp 5%, đơn vị sẽ giảm được chi phí khoảng 160 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc ảnh hưởng về mặt giá thành, Luật thuế 71 cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm sản lượng tiêu thụ do giá thành tăng và phải cạnh tranh với nguồn phân bón nhập khẩu. Năm 2015, kết hợp giữa yếu tố Luật thuế 71 có hiệu lực và một số nhân tố thị trường khác, sản lượng urea của PVFCCo đã giảm 13% so với thời điểm năm trước khi Luật này có hiệu lực.
Trước bất cập đó, ngày 28/10/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 159/NQ-CP đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét, ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng mới cho mặt hàng phân bón. Theo đề xuất, kể từ ngày 1/1/2021, phân bón thuộc nhóm hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng là thuế giá trị gia tăng đầu vào của máy móc, nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất mặt hàng phân bón sẽ được áp dụng chính sách khấu trừ toàn bộ với mức thuế suất 5%.
Việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng mới, giá phân bón được áp thuế sẽ có tác động tích cực đối với thị trường, làm lợi cho Nhà nước, xã hội và cho chính doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.
Với doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng (hiện nay các đơn vị sản xuất phân bón thông thường đang chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào cho các yếu tố như nguyên liệu khí, điện, than,… với mức thuế suất 10 đến 15% nên việc áp thuế đầu ra 5% sẽ được hoàn lại), từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất phân bón giảm giá thành sản xuất; cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu (do các sản phẩm nhập khẩu hiện nay đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0%); có thể hoạt động ổn định trong điều kiện có biến động bất thường về thị trường, chi phí nguyên liệu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất các loại phân bón nội địa (urea, DAP, NPK, …) chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường trong nước trong khi năng lực sản xuất trong nước hiện vẫn chưa khai thác tối đa. Do đó, áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để đem lại lợi ích cao hơn cho người nông dân.
Với Nhà nước, áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng mới đối với phân bón sẽ giúp tăng thu ngân sách. Theo tính toán sơ bộ, với kim ngạch nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế khoảng hơn 1 tỷ USD như hiện nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung thêm hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, trong năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh thuế có thể coi là một công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng của Nhà nước giúp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón và ngành nông nghiệp có thể phục hồi, tăng tốc trở lại sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Với xã hội, việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng mới sẽ thúc đẩy phát triển các hoạt động phụ trợ khi sản xuất phân bón mở rộng như logistics, bao bì, phân phối… Người nông dân sẽ có cơ hội được sử dụng phân bón chất lượng cao, nhiều chủng loại sản phẩm tốt hơn, qua đó, góp phần hỗ trợ nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh của nông sản, vừa đảm bảo nhu cầu lương thực/nông sản trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như tạo thêm cơ hội việc làm, tăng trưởng thu nhập cho nông dân/người lao động.

Đoàn Tiến Quyết (VPI)