Luật Dầu khí sửa đổi với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho rằng định hướng sửa đổi Luật Dầu khí là củng cố vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, tạo điều kiện hoàn thiện quản lý nhà nước về dầu khí. Trong nghiên cứu công bố mới đây TS. Nguyễn Hồng Minh – chuyên gia của VPI, ngoài những chính sách quan trọng như Bộ Công Thương đã thực hiện trong dự thảo lần này, một số vấn đề cần được cân nhắc và bổ sung vào nội dung dự thảo sửa đổi nhằm tăng cường quản lý nhà nước,  hoạt động dầu khí sẽ có bước phát triển mới, mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách và hiệu quả cao hơn cho các doanh nghiệp.

Hoạt động Dầu khí trên biển ngoài vấn đề kinh tế, còn gắn với an ninh, quốc phòng

Bổ sung hình thức hợp đồng dịch vụ để đảm bảo tính đa dạng khi hình thức PSC truyền thống không còn phù hợp trong một số trường hợp. Hợp đồng do nhà nước thuê làm dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí hoặc thực hiện công việc nào đó liên quan đến dầu khí. Nhà nước trả phí dịch vụ cho người điều hành (tính theo thùng dầu, đủ để trang trải các chi phí vận hành và chấp nhận một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý của người điều hành) và sở hữu tài nguyên, trữ lượng và sản lượng dầu sản xuất (không tính tới các loại thuế liên quan đến hoạt động dầu khí). Theo đó, hợp đồng dịch vụ sẽ không có cam kết tối thiểu, quy định về thu hồi chi phí. Đối tượng áp dụng, phương thức lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dịch vụ (đấu thầu, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu) cần được quy định một cách rõ ràng, tường minh, đảm bảo tính linh hoạt. Bên ký kết tất cả các loại hợp đồng (PSC và dịch vụ) thống nhất về 1 đầu mối là Bộ Công Thương. Việc này chỉ cần quy định nguyên tắc trong Luật, còn điều khoản, hồ sơ, thủ tục cụ thể sẽ do Nghị định điều chỉnh.

Phân cấp thẩm quyền trong các thủ tục hành chính. Đề xuất này nhằm củng cố, tăng cường vai trò, tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí; công việc thực thi đấu thầu, chủ thể ký hợp đồng dầu khí, quản lý quỹ thu dọn mỏ và tổ chức bán phần sản phẩm của nước chủ nhà… nên chuyển từ PVN về Bộ Công Thương. Một số thủ tục phê duyêt thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ cũng nên phân cấp xuống cho Bộ Công Thương, như phê duyệt các báo cáo trữ lượng, phát triển mỏ (trừ phát triển theo chuỗi), hợp nhất mỏ…
Luật hóa cụ thể hơn quyền hạn quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động dầu khí được thực hiện bởi nhà thầu trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí của PVN. Đưa nội dung PVN có thể ban hành quy trình, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện đối với các người điều hành vào Luật Dầu khí để tăng tính pháp lý của việc thực thi. Bổ sung trường hợp người điều hành có vi phạm, tùy theo mức độ, thì Petrovietnam được phép đề xuất cơ quan quản lý nhà nước phạt.

Giải pháp về tổ chức là Bộ Công Thương hình thành cục/vụ riêng về quản lý hoạt động dầu khí và củng cố, tăng cường nguồn lực cho cơ quan tham mưu quản lý này. Cục/vụ này sẽ tiếp quản dần các chức năng liên quan đến thực thi đấu thầu, quản lý pháp lý và kinh tế hợp đồng, quản lý quỹ thu dọn mỏ, tổ chức bán sản phẩm của nhà nước trong hợp đồng dầu khí, sau đó tiến tới quản lý điều tra cơ bản, hợp tác quốc tế về dầu khí, quản lý thông tin dầu khí…

Petrovietnam cần có sự tách bạch giữa thực hiện chức năng quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí (với tư cách đại diện cho nhà nước) và quản lý hợp đồng dầu khí với tư cách là nhà đầu tư, kinh doanh. Giải pháp tổ chức có thể hình thành bộ phận riêng về quản lý nhà nước trong Petrovietnam. Bộ phận này có trách nhiệm đối xử bình đẳng với các người điều hành, nhà đầu tư dù thuộc Petrovietnam, Việt Nam hay nước ngoài. Mục tiêu, chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của bộ phận này chủ yếu liên quan đến thời gian xử lý thủ tục hành chính, đánh giá, nhận xét của nhà thầu, tiến độ các dự án, khối lượng công việc kỹ thuật…

Bảng 1. Đề xuất một số thay đổi/điều chỉnh so với Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Hồng Minh đề xuất một số thay đổi cụ thể trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng như trong Bảng 1.
Việc chuyển thẩm quyền quản lý, phê duyệt điều tra cơ bản từ Bộ Tài nguyên và Môi trường sang Bộ Công Thương là để Bộ Công Thương có điều kiện chủ động nắm vững thông tin về tiềm năng dầu khí phục vụ việc phân lô hợp lý, tham mưu chính sách khuyến khích đầu tư, đưa ra tiêu chí đấu thầu phù hợp và xa hơn nữa để hoạch định chiến lược phát triển ngành dầu khí. Khi đó, thông tin điều tra cơ bản sẽ được thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung.