Giá xăng ngày 11/7 dự báo giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít 

Giá xăng dầu trong nước theo Viện Dầu khí Việt Nam dự báo sẽ giảm mạnh khoảng 3.000 đồng/lít vào lúc 0h ngày 11/7/2022 do thị trường thế giới hạ nhiệt và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. 

Theo mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành 11/7/2022, cụ thể, giá xăng E5 RON 92 được dự báo giảm 3.543 đồng còn 27.348 đồng/lít, giá xăng RON 95 giảm 3.476 đồng còn 29.287 đồng/lít. Đối với các sản phẩm dầu, giá dầu diesel được dự báo giảm 3.450 đồng xuống 26.165 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 3.410 đồng còn 24.943 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 2.591 đồng xuống 17.131 đồng/kg.  

Trước đó, ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut và dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.  

Việc áp dụng Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, nên thời gian điều chỉnh giá cũng bắt đầu từ 0h thay vì 15h. 

Thị trường dầu thô thế giới đã có những phiên giao dịch đầy biến động trong những ngày đầu tháng 7 năm 2022, theo đó, giá hầu hết các loại dầu thô “rơi” mạnh trong phiên giao dịch các ngày 5-6/7, thậm chí giá hợp đồng tương lai giao tháng 8-9 đã mất mốc 100 USD/thùng. Giá giảm sâu trong những phiên giao dịch đầu tháng bởi các thông tin không mấy tích cực về tình hình kinh tế thế giới, trước viễn cảnh suy thoái kinh tế bởi lạm phát tăng cao trên toàn cầu.  

Lạm phát đang diễn biến khá xấu với tỷ lệ lạm phát tại Mỹ, Châu Âu đều trên 8%, mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Các ngân hàng Trung ương đồng loạt tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, điều này làm gia tăng khả năng suy thoái và tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành sản xuất, hoạch định chính sách tài khóa của các nền kinh tế.  

Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 lại diễn biến phức tạp sau một thời gian “yên bình”, đặc biệt tại Trung Quốc, quốc gia vẫn duy trì chính sách “zero-covid” cùng với các biến chủng mới BA.5 gây gia tăng tử vong các ca nhiễm mới ở phạm vi toàn cầu. Do đó, không loại trừ Trung Quốc có thể tái áp dụng giãn cách xã hội. 

Về phía nguồn cung, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu đã tăng sản lượng dầu thô lên 390.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022. 13 thành viên của OPEC đã bơm 28,83 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2022, tăng 210.000 thùng/ngày so với tháng 5/2022, với mức tăng ổn định từ phía Saudi Arabia, Nigeria, Angola và UAE. Sản lượng dầu thô của OPEC + đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng là 42,09 triệu thùng/ngày của tháng 6/2022. 

Theo dự báo của các chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam, giá dầu thô trong tháng 7 sẽ giao động trong khoảng 105-115 USD/thùng trung bình tháng. Giá dầu sẽ khó có thể giảm mạnh trong giai đoạn tháng 7-8 do sức ép thiếu hụt nguổn cung bởi tình trạng khai thác tại Libya chưa được giải phóng, bên cạnh đó, nhu cầu có thể tăng nhẹ trở lại bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng tại Châu Âu, gia tăng tiêu thụ tại Trung Quốc sau khi khống chế thành công các đợt bùng phát thứ cấp và hồi phục sản xuất tại Ấn Độ.