Giá xăng chu kỳ ngày 5/9 dự báo sẽ tiếp tục giảm

Viện Dầu khí Việt Nam dự báo giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành sắp tới có thể sẽ tiếp tục giảm.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này biến động rất mạnh so với kỳ điều hành trước đó. Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) tại Singapore cập nhật đến ngày 2/9 là 98,33 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 102,97 USD/thùng.

Diễn biến giá xăng dầu FOB Singapore

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI đã dự báo nhà điều hành sẽ không chi Quỹ Bình ổn giá nên giá bán lẻ các mặt hàng dự báo ở mức Xăng E5RON92 giảm 696 đồng xuống còn 23.029 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 1073 đồng xuống còn 23.596 đồng/lít. Trong khi đó, các sản phẩm dầu có xu hướng tăng giá như dầu Diesel tăng 1998 đồng lên 25.757 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1679 đồng lên 25.735 đồng/lít, dầu mazut giảm 803 đồng xuống còn 15.745 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu không thực hiện chi Quỹ Bình ổn đối với giá dầu thì mức chênh lệch giữa giá dầu và xăng càng cao hơn, đây là điều xưa nay hiếm.
Diễn biến giá sản phẩm tăng cùng với xu hướng tăng chung của giá dầu thô do sức ép nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt bởi giới hạn sản lượng của các quốc gia OPEC, tình trạng bất ổn tại Libya khiến nguồn cung bị đe dọa, … Trên thị trường sản phẩm, giá DO tiếp tục tăng cao bởi nguồn cung DO thắt chặt trên thị trường sản phẩm Châu Á với khối lượng xuất khẩu từ Ấn Độ dự kiến sẽ giảm hơn một nửa trong tháng 9, giảm so với hơn 1 triệu tấn trong tháng 8. Trong khi đó công suất vận hành các NMLD Ấn Độ ghi nhận ở mức trung bình 100% trong tháng 7, giảm so với mức 104% trong tháng 6. Sự sụt giảm công suất vận hành là do nhu cầu đối với các sản phẩm dầu giảm vào mùa mưa, cũng như một số NMLD có kế hoạch dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể vào tháng 8. Bên cạnh đó thị trường DO Châu Á được hỗ trợ hơn nữa nhờ việc luân chuyển hàng hóa hiệu quả để vận chuyển sang lục địa Anh. Chênh lệch hợp đồng EFS tháng 9 là -43,50 USD/tấn vào ngày 29/8. Tại trung tâm Amsterdam-Rotterdam-Antwerp, dự trữ DO và gasoil tăng 12,1% lên 1,696 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 25/8, do mực nước sông Rhine thấp đã hạn chế hoạt động bốc hàng của xà lan đến thị trường nội địa.
Trên thế giới, mở phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/9, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,55% lên 88,23 USD/thùng; dầu thô Brent giao tháng 11 cũng tăng 1,46% lên 94,38 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh khi thị trường dấy lên thông tin thiếu hụt nguồn cung sau tuyên bố chung được công bố hôm 2/9, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga. Tuy nhiên, trước đó Nga đã cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn “đáng kể” cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phải chi trả. Bên cạnh đó, Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất.
Hiện các quốc gia đang chờ đợi kết quả của cuộc họp hội nghị bộ trưởng lần thứ 32 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra trong ngày 5/9/2022 về việc duy trì sản lượng hay cắt giảm sản lượng trong tháng tới.