Tuổi trẻ Dầu khí tổ chức chương trình Đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội tại Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa

Ngày 21 – 23/10/2022, Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cùng Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) đã tổ chức chương trình Đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa.

Đoàn công tác đã tham gia chương trình đào tạo thực địa dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Hoàng Văn Long – chuyên gia của VPI, tập trung tìm hiểu các điểm lộ dọc theo hành trình từ Hà Nội đến Thanh Hóa, hướng đến nghiên cứu 3 đối tượng địa chất là đá magma, đá trầm tích và đá biến chất. Cụ thể, tại điểm khảo sát số 1 (OC#01) tại Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam, PGS.TS. Hoàng Văn Long đã giới thiệu về 2 loại đá trầm tích khác nhau dựa trên các đặc điểm thành phần và cấu tạo của đá, đồng thời phân tích quan hệ địa tầng, tuổi tương đối của hai hệ tầng là đá vôi hệ tầng Đồng Giao tuổi Trias trung và đá phiến sét giàu vật chất hữu cơ của hệ tầng Tân Lạc tuổi Trias sớm.

PGS.TS. Hoàng Văn Long phân tích đặc điểm địa chất khu vực tại điểm lộ số 1

Sau khi di chuyển tới điểm khảo sát số 2 (OC#02) tại  Núi Gôi, Vụ Bản, Nam Định, Đoàn công tác tiến hành nghiên cứu cấu tạo, kiến trúc của đá biến chất cổ thuộc hệ tầng Thái Ninh tuổi Paleo-Proterozoic, với thành phần thạch học gồm các đá phiến sericite, gneis.

Điểm khảo sát số 2 tại Núi Gôi – Vụ Bản – Nam Định

Điểm khảo sát số 3 (OC#03) nằm ngay chân vách đá ven bãi biển Lãn, Sầm Sơn, Thanh Hóa, Đoàn công tác đã được hướng dẫn nhận biết 2 loại đá khác nhau về nguồn gốc (đá magma và đá biến chất). Đá biến chất hệ tầng Nậm Cô (Proterozoic-Cambrian hạ) và đá granite phức hệ Mường Lát (γaC1ml). Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng được thực hành đo đạc các cấu tạo nứt nẻ phát triển trên đá granite để liên hệ với đá móng nứt nẻ chứa dầu trên thềm lục địa Việt Nam.

Điểm khảo sát số 3 nằm tại Bãi biển Lãn (Sầm Sơn – Thanh Hóa)

Trong chương trình đào tạo thực địa, PGS.TS. Hoàng Văn Long đã giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về hệ thống dầu khí và các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm nhận biết các loại đá, phân tích tướng – môi trường trầm tích, cấu trúc kiến tạo tại các điểm khảo sát trên thực địa và liên hệ với các bể trầm tích chứa dầu trên thềm lục địa Việt Nam.

Kết hợp với chương trình đào tạo thực địa, Đoàn công tác đã tổ chức chương trình An sinh xã hội trao tặng 30 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng) của Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho các em học sinh có hoàn cảnh nghèo vượt khó tại các điểm trường thuộc xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Xã Tam Văn là 1 trong những xã nghèo thuộc huyện nghèo Lang Chánh, có tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 40%. Hoạt động này của Đoàn Thanh niên hi vọng góp phần động viên các em không ngừng nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, giúp các em vững bước trên con đường chinh phục tri thức.

Đ/c Vũ Đức Ứng – Bí thư Đoàn Thanh niên VPI đại diện cho Đoàn Thanh niên Petrovietnam trao tặng các suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Đồng thời, với mục đích giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên thanh niên, Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh –  nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, chung sức chung lòng đánh giặc cứu nước.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh

Chương trình đào tạo thực địa kết hợp An sinh xã hội không chỉ giúp đoàn viên Thanh niên các đơn vị hiểu thêm hơn những kiến thức về lĩnh vực địa chất mà còn là cơ hội tốt để các đoàn viên tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái, trân trọng giá trị công việc, tạo động lực, góp phần trong sự phát triển của các đơn vị hướng tới mục tiêu chung là phát triển xã hội.