Ngày 13/10/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã ra mắt sách điện tử “Sáng tạo sản phẩm số – Ai cũng dùng AI – Ứng dụng Power BI Service và AutoML trong lĩnh vực dầu khí” (ISBN: 978-604-80-8046-4). Cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản và được phát hành trên Ebook365 – Nền tảng xuất bản sách điện tử quốc gia.

Cuốn sách hướng dẫn người dùng khai thác triệt để công cụ Power BI Service – nền tảng phân tích dữ liệu ưu việt thuộc hệ sinh thái Microsoft – trong việc sáng tạo sản phẩm số, áp dụng mô hình học máy tự động (AutoML) và giới thiệu những sản phẩm số tiêu biểu ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí được VPI xây dựng. Với tinh thần “ai cũng có thể xây dựng sản phẩm số” và hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, cuốn sách giúp độc giả có thể tổ chức, khai thác bộ dữ liệu và chuyển dữ liệu thành những sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy, mang lại giá trị hữu ích cho doanh nghiệp. Độc giả được trang bị những kiến thức nền tảng cơ bản đến nâng cao để có thể xây dựng những sản phẩm số đầu tiên: Từ kết nối các nguồn dữ liệu khác nhau, tổ chức, quản lý và duy trì nguồn dữ liệu cho báo cáo, tạo các biểu đồ với khả năng tương tác theo tùy chọn của người dùng cuối. Hơn hết, những sản phẩm số ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí được giới thiệu trong cuốn sách với cách tiếp cận logic, bài bản chính là yếu tố truyền cảm hứng thôi thúc độc giả sáng tạo sản phẩm số của riêng mình.
Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Dữ liệu của VPI, đại diện nhóm tác giả cho biết: Đây là cuốn sách đầu tiên trong loạt sách “Ai cũng dùng AI” của VPI, giúp độc giả hiểu rõ hơn về các công cụ để tổ chức và phân tích dữ liệu như Power BI Service, và đặc biệt có tiếp cận nhanh và dễ hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI) qua ứng dụng AutoML. Đây là nền tảng công nghệ thay đổi cách chúng ta làm việc, học hỏi và tạo ra giá trị cho nghiên cứu nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của ngành Dầu khí. Với trí tuệ nhân tạọ, các cán bộ công nhân viên đang làm việc trong ngành dầu khí, từ thượng nguồn tới hạ nguồn, từ kỹ thuật tới kinh tế, quản lý,… đều có thể tận dụng những công cụ này để tối ưu hóa công việc, tạo ra các giải pháp mới và tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm, khai thác nguồn năng lượng cho đất nước. Với tinh thần “Ai cũng dùng AI”, VPI sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những công cụ và kiến thức cao cấp hơn thông qua ngôn ngữ lập trình Python, cùng với sự áp dụng của các mô hình vật lý – địa chất từ các chuyên gia VPI.

Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Dữ liệu của VPI và các tác giả tại Lễ ra mắt cuốn sách

Theo định hướng phát triển, VPI tập trung xây dựng, vận hành và phát triển nền tảng sáng tạo dầu khí giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tận dụng tối đa các nguồn lực, lợi thế cạnh tranh để thực hiện chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số, đảm bảo phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, đồng thời tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới của thị trường năng lượng để tạo ra các bước phát triển đột phá. Trên cơ sở đó, VPI đã và đang xây dựng Nhóm nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý và Nhóm sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh…
Đặc biệt, VPI đang xây dựng “Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam – Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc (insights) về dầu khí. Hệ thống đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời với giao diện người dùng thân thiện bằng ngôn ngữ tự nhiên giúp hỏi đáp, truy cập và phân tích thông tin nhanh chóng. Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng các tiến bộ mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới như: mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), AI tạo sinh (Generative AI) để tổng hợp tri thức và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia của ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm qua, cùng với lượng lớn dữ liệu và tri thức dầu khí thế giới. VPInsights sẽ giúp các chuyên gia của VPI/Petrovietnam cũng như các đối tác trong và ngoài nước cùng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm số và cộng tác, đóng góp trên hệ sinh thái chung về tri thức dầu khí – hỗ trợ việc dự báo tình hình và hoạch định giải pháp kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới biến động không ngừng.
Độc giả đọc sách tại Ebook365 – Nền tảng xuất bản sách điện tử quốc gia: https://ebook365.vn/sang-tao-san-pham-so-ai-cung-dung-ai-ung-dung-power-bi-service-va-automl-trong-linh-vuc-dau-khi-r7P8W.html.

Ngày 27/4/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức họp đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý; ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09-1, bồn trũng Cửu Long”, thuộc chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí, mã số 9.52.06.04.

Hội đồng chúc mừng nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ

Tại Lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ, nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã trình bày những kết quả nghiên cứu mới dựa trên phân tích tài liệu giếng khoan địa chấn 3D – 4C gần đây. Kết quả nghiên cứu của Luận án đã góp phần làm sáng tỏ sự khác biệt về đặc điểm trầm tích sông – hồ so với trầm tích biển về các khía cạnh tướng thạch học, điều kiện cổ môi trường lắng đọng, hình thái, kích thước và quy luận biến đổi tướng trầm tích theo không gian và thời gian.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã đề xuất được khung địa tầng phân tập gồm hai miền hệ thống (Miền hệ thống phủ chồng cao – HAST và miền hệ thống phủ chồng thấp – LAST) áp dụng cho các thành tạo trầm tích sông – hồ. Đây là cơ sở khoa học quan trọng và hợp lý để áp dụng thử nghiệm trong nghiên cứu tìm kiếm các bẫy phi cấu tạo tại Lô 09-1, bể Cửu Long. Việc áp dụng hệ phương pháp nghiên cứu phù hợp đã bước đầu dự báo được một số bẫy phi cấu tạo triển vọng chứa dầu khí cho Lô 09-1, bồn trũng Cửu Long.
Về kết quả chính và đóng góp mới của Luận án, GS.TSKH. Mai Thanh Tân – Chủ tịch Hội đồng cho biết: Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trong các thành tạo trầm tích sông – hồ dựa trên cách tiếp cận địa tầng phân tập hai miền hệ thống HAST và LAST. Hệ phương pháp nghiên cứu được đề xuất đã bước đầu cho phép nhận diện và xác định được một số bẫy phi cấu tạo trong các tập trầm tích Oligocene – Miocene sớm tại Lô 09-1, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bồn trũng Cửu Long.
Đánh giá về cơ sở khoa học, độ tin cậy của các luận điểm và kết luận của Luận án, Hội đồng cho rằng: Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã được hoàn thành dựa trên nguồn tài liệu địa chấn, giếng khoan, thạch học, cổ sinh, kết quả phân tích mẫu… rất phong phú và đa dạng. Hệ phương pháp nghiên cứu gồm các phương pháp địa chất, địa vật lý truyền thống kết hợp với cách tiếp cận mới về địa tầng phân tập hai miền hệ thống cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm thương mại tích hợp trí tuệ nhân tạo đã đảm bảo độ tin cậy của các kết quả thu được. Kết quả thử nghiệm tại Lô 09-1 đã khẳng định được tính đúng đắn của cơ sở khoa học và thực tiễn trong phương pháp luận.
Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành Luận án, đề nghị công nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh, đảm bảo tuân thủ Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Viện Dầu khí Việt Nam.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết Hội nghị quốc tế lần thứ V với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” (The 5th International Conference on Geotechnics for Sustainable Infrastructure Development – GEOTEC HANOI 2023) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 14 – 15/12/2023.  

GEOTEC HANOI 2023 được tổ chức bởi FECON và các đơn vị đồng tổ chức gồm: Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản (JGS), Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam (VSSMGE), Trường Đại học Thủy lợi (TLU). Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 6 chủ đề trọng tâm: Móng sâu, Hầm và công trình ngầm, Gia cố nền đất, Mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật, Sạt lở và xói mòn, và Năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.

Với thông điệp “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững”, GEOTEC HANOI 2023 là diễn đàn cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, trao đổi, chia sẻ các giải pháp và công nghệ mới về địa kỹ thuật để từ đó nâng cao chất lượng các công trình, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

TS. Phạm Quý Ngọc – chuyên gia của VPI cho biết, “Năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật đới ven bờ” là chủ đề mới của GEOTEC HANOI 2023 và cũng là chủ đề đang được các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí quan tâm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), với bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng gió, đặc biệt là năng lượng ngoài khơi. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển năng lượng gió trên bờ, gần bờ đồng thời khởi động các dự án điện gió ngoài khơi. Công nghệ khảo sát, xử lý số liệu địa kỹ thuật, địa vật lý, thiết kế móng cho công trình điện gió ngoài khơi và đới ven bờ sẽ được các chuyên gia địa kỹ thuật, địa vật lý và các nhà chuyên môn quan tâm, thảo luận, chia sẻ trong Hội nghị này.

Ngành dầu khí Việt Nam có thuận lợi khi phát triển điện gió ngoài khơi nhờ tiềm lực tài chính tốt, khả năng thu xếp vốn thuận lợi với hệ số tín nhiệm cao và có khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên có thể phát huy lợi thế về kinh nghiệm và nguồn nhân lực sẵn có trong thiết kế, chế tạo, vận hành công trình biển để tham gia vào chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo Ban Tổ chức, GEOTEC HANOI 2023 đến nay đã nhận được trên 290 bài của hơn 800 tác giả và nhóm tác giả đến từ 41 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Na Uy, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc… Thông tin chi tiết vui lòng tham khảo: https://geotechn.vn/.

 

 

Ngày 27/2/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã trao tặng phần thưởng cho 5 giải Nhất trong chương trình đào tạo với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu”.

VPI đã trao tặng 5 máy tính Macbook Air M1 tại vị trí làm việc cho 5 đoàn viên có sản phẩm dữ liệu đạt giải Nhất trong chương trình đào tạo của VPI với chủ đề “Thanh niên VPI tiên phong trong sáng tạo sản phẩm dữ liệu”. Chương trình đào tạo kéo dài hơn 2 tháng đã cung cấp kiến thức về xu hướng phát triển của thị trường phân tích dữ liệu, các nguồn và cấu trúc dữ liệu, các phương pháp và kỹ thuật phân tích dữ liệu; từ đó ứng dụng vào các công việc đang triển khai, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và lan tỏa nét văn hóa “Tự học hỏi, tự hoàn thiện bản thân”.

Đại diện Ban tổ chức chương trình đào tạo trao phần thưởng 3 đoàn viên đạt giải Nhất tại khu vực Hà Nội gồm Trần Xuân Quý, Nguyễn Thị Thanh, Trần Đăng Tú (từ trái sang phải) 

Đại diện Ban tổ chức chương trình đào tạo trao phần thưởng cho 2 đoàn viên đạt giải Nhất tại tp. Hồ Chí Minh gồm Trương Văn Nhân, Nguyễn Thị Thanh Ngà (từ trái sang phải) 

Các ý tưởng, sản phẩm dữ liệu đạt giải là các phương án, giải pháp sáng tạo hỗ trợ giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công việc chuyên môn của các đoàn viên được xây dựng thông qua chương trình đào tạo cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ và góp ý của các chuyên gia VPI (TS. Phan Ngọc Trung, TS. Nguyễn Hồng Minh, TS. Nguyễn Hữu Lương, ThS. Nguyễn Phương Thủy), Bộ phận Phân tích dữ liệu và Bộ phận Nắm thị trường của VPI. Được chọn lọc từ 11 sản phẩm có chất lượng tốt nhất trong chương trình đào tạo, 5 sản phẩm đại giải Nhất sẽ được VPI đầu tư phát triển trong thời gian tới. Cụ thể:

  1. Ứng dụng ngôn ngữ lập trình Python để hiệu chỉnh (normalization) đường Gamma ray (GR) trong địa vật lý giếng khoan (đoàn viên Nguyễn Thị Thanh)

Hiệu chỉnh (normalization) đường gamma ray (GR) trong địa vật lý giếng khoan là rất cần thiết khi có sự khác biệt về dải giá trị hoặc scale của các đường GR do sai số về mặt kỹ thuật của thiết bị đo, sự khác nhau về quá trình hiệu chỉnh ảnh hưởng môi trường giếng lên giá trị đo, đường GR được đo bằng những tool khác nhau, thiết bị của nhiều công ty khác nhau, hoặc các loại thiết bị thay đổi theo thời gian… Tác giả đã ứng dụng ngôn ngữ lập trình Python để tạo công cụ hiệu chỉnh tự động đường GR, áp dụng thử nghiệm cho 9 giếng khoan trong khu vực mỏ Sư Tử Đen, Lô 15-1, bể Cửu Long. Công cụ này giúp cho người minh giải tiết kiệm thời gian khi có thể tiến hành cho nhiều giếng khoan cùng một lúc, thuận tiện hơn trong việc kiểm tra dữ liệu, phát hiện các giá trị dị thường, có thể làm việc linh hoạt hơn trên các nền tảng web mà không cần đến các phần mềm chuyên ngành. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng dễ dàng tích hợp thành tool đi kèm hoặc thành các bước chuẩn bị tài liệu cho những công việc với các nền tảng khác. Trong thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm các tính năng khác của sản phẩm, kết hợp sản phẩm với các nghiên cứu chuyên sâu khác ví dụ log conditioning, chuẩn hóa dữ liệu cho liên kết giếng khoan tự động, minh giải tự động bằng AI/ML…

  1.  Xây dựng công cụ dự báo sản lượng khai thác dầu sử dụng các thuật toán học sâu dựa trên cơ chế chú ý cho đối tượng móng nứt nẻ vòm Trung tâm, mỏ Bạch Hổ (đoàn viên Trần Đăng Tú)

Đối tượng móng có đặc điểm địa chất phức tạp, do đó, người điều hành mỏ đã thực hiện nhiều các phương pháp nhằm duy trì sản lượng khai thác như bơm ép nước, các giải pháp địa kĩ thuật, khoan đan dày… với sự hỗ trợ từ các công cụ truyền thống như: mô phỏng số và phân tích đường cong suy giảm. Tuy nhiên, hiệu quả dự báo khai thác từ các phương pháp này vẫn tồn tại nhiều hạn chế và độ tin cậy chưa cao. Để khắc phục các nhược điểm này, tác giả đã xây dựng công cụ dự báo sử dụng các thuật toán học sâu dựa trên cơ chế chú ý. Kết quả ban đầu khi sử dụng 1 thuật toán dựa trên cơ chế chú ý cho sai số ~10,7%, dự báo sản lượng khai thác dầu dựa trên dữ liệu khai thác trong quá khứ với độ chính xác đạt trên 70%. Việc ứng dụng cơ chế chú ý để đánh trọng số của các dữ liệu đầu vào trước khi đưa vào mô hình học sâu để huấn luyện có thể giúp nâng cao khả năng dự báo và tác giá kì vọng khi thử nghiệm, tối ưu các thuật toán dựa trên cơ chế chú ý có thể cho sai số < 8%.

  1. Chỉ số hydrogen Việt Nam (VN’s Hydrogen Index) (đoàn viên Trương Văn Nhân )

Chỉ số hydrogen Việt Nam (Hydrogen Index) là chỉ số thể hiện khả năng thâm nhập thị trường hydrogen sạch ở Việt Nam. Chỉ số càng lớn thể hiện khả năng thâm nhập thị trường và mức độ phát triển của lĩnh vực hydrogen càng lớn. Đồng thời, cũng thể hiện so sánh khả năng thâm nhập giữa 2 loại hydrogen sạch (Blue và Green hydrogen) để thấy được loại nào được đánh giá tốt hơn tại thời điểm lựa chọn. Thông tin sản phẩm mang lại không chỉ liên quan đến chỉ số hydrogen Việt Nam mà còn một số thông tin cơ bản khác như về thị trường, các dự án hydrogen Việt Nam, LCOH… Sản phẩm này có thể sử dụng cho nhiều khách hàng khác nhau như để tư vấn cho khách hang, nắm bắt được tình hình phát triển lĩnh vực hydrogen sạch ở Việt Nam và hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư lựa chọn đúng loại hydrogen sạch

  1. Tối ưu hóa (trực quan dữ liệu) dữ liệu hiện có tại phòng thí nghiệm; dự đoán xu hướng các thông số thể hiện độ giàu vật chất hữu cơ và mức độ trưởng thành nhiệt (TOC, S2, Tmax, Ro) cho các độ sâu mong muốn (đoàn viên Nguyễn Thị Thanh Ngà)

Giải pháp này hỗ trợ cho lĩnh vực thăm dò trong công tác tự động đọc và phân tích dữ liệu đầu vào; xử lý tự động dữ liệu thô (độ sâu và địa tầng; kết quả phân tích thạch học và các chỉ tiêu địa hóa); dự báo xu hướng các thông số thể hiện độ giàu vật chất hữu cơ và mức độ trưởng thành nhiệt; biểu diễn dữ liệu bằng biểu đồ và hình ảnh mô phỏng thể hiện các thông số cho giếng khoan. Sau khi được xử lý sơ bộ bằng excel, dữ liệu sẽ được xử lý chuyên sâu bằng Python– Jupyter note bằng các thư viện Pandas, Numpy cho việc nạp và xử lý dữ liệu; Pandas_profiling để phân tích khám phá dữ liệu (EDA- Exploratory Data Analysis); Matplotlib, Seaborn nhằm trực quan hóa dữ liệu; xây dựng mô hình dự đoán bằng phương pháp xây dựng mô hình machine learning bằng Scikit-learn, Tensorflow để dự báo kết quả cho khu vực không lấy mẫu phân tích hoặc mẫu bị nhiễm bẩn nặng. Việc phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm kết hợp việc sử dụng mô hình dự đoán để tăng tính chính xác và độ tin cậy trong dự đoán kết quả phân tích mẫu giếng khoan. Sản phẩm hiện đang được nghiên cứu cải thiện chức năng tự động hoá quá trình chọn lọc dữ liệu đầu vào và tối ưu hoá mô hình machine learning tăng độ tin cậy và giá trị sử dụng của mô hình.

  1. Bản đồ hóa các điểm dữ liệu (đoàn viên Trần Xuân Quý)

Hiện nay, công tác phân tích, đánh giá động thái khai thác mỏ chủ yếu sử dụng bảng biểu và dạng hình vẽ đơn giản cho từng giếng khoan, do đó, việc xác định phân bố, xu hướng động thái khu vực gặp khó khăn. Sản phẩm này đã xây dựng được các bản đồ như bản đồ ngập nước (bản đồ độ bão hòa nước); bản đồ lưu lượng khai thác (dạng bọt). Trong thời gian tới, sản phẩm sẽ được bổ sung thêm các thông tin (lưu lượng nước, lưu lượng dầu), tích hợp bản đồ địa chất (fault, contour) để dễ theo dõi và quản lý cũng như nâng cao trải nghiệm người dùng với khả năng thao tác trực tiếp trên bản đồ. Bên cạnh đó, vị trí giếng khoan cũng sẽ tương ứng với vị trí bắt gặp tầng sản phẩm.

 

 

 

 

 

Ngày 8/2/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức ra mắt sách “Nhật ký CEO Meetings”, ấn phẩm do NXB Lao Động phát hành, Tạp chí Năng lượng Mới liên kết sản xuất. Cuốn sách gồm những ghi chép của nhiều tác giả về các cuộc họp CEO meetings của tập thể Ban lãnh đạo Petrovietnam, cũng là hành trình vượt qua khó khăn, những bài học kinh nghiệm và những quyết sách đúng đắn giúp Petrovietnam vận hành, phát triển ổn định trong những năm qua, hướng tới nỗ lực, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ to lớn hơn.

Phát biểu tại Lễ ra mắt sách, ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn cho biết, trong giai đoạn 3 năm vừa qua, sau cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử ngành dầu khí, bên cạnh nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, xuyên suốt, Petrovietnam đã bắt đầu từ việc đơn giản nhất nhưng lại đem đến hiệu quả thiết thực: giao ban điều hành giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn và các đơn vị – CEO Meetings. Sự điều hành linh hoạt, khoa học đã biến CEO Meetings trở thành giải pháp sáng tạo trong công tác quản trị, điều hành ở Petrovietnam. Hoạt động này là “diễn đàn” để lãnh đạo Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên kịp thời nắm bắt các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nảy sinh và đề ra hướng giải quyết một cách nhanh nhất, bám sát mục tiêu, chủ đề công tác năm mang lại hiệu quả tối đa cho Tập đoàn.

Ông Trần Quang Dũng - Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn giới thiệu về cuốn sách

Ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn giới thiệu về cuốn sách

Những thông tin trong các buổi CEO Meetings đã được truyền tải tới người lao động trong toàn Tập đoàn, tạo nên niềm tin, sự thống nhất ý chí của đội ngũ người lao động dầu khí, cũng như chuyển tải thông điệp tới xã hội, phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), những giải pháp vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển ổn định Tập đoàn.

Ba năm diễn ra các cuộc CEO Meetings cũng là thời gian những tuyến bài vở được in ấn, phát hành, đăng tải trên Tạp chí Năng lượng Mới/Tạp chí điện tử PetroTimes và nhiều cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước; tất cả được chọn lọc, tổng hợp vào cuốn sách Nhật ký CEO Meetings.

Sách dày 300 trang chia làm 4 phần, là một quyển nhật ký lưu lại những kỷ niệm mà tập thể người lao động dầu khí chính là những người chứng kiến, trải nghiệm, đi qua những cung bậc cảm xúc vui buồn…, thể hiện niềm tự hào to lớn về những thành quả mà tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí đã viết nên.

Sách Nhật ký CEO meetings

Sách Nhật ký CEO meetings

Tại các cuộc họp được ghi chép lại trong Nhật ký CEO Meetings, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng luôn trăn trở, quản trị quản trị biến động là phương thức mới trong quản trị, quản lý, đóng vai trò trọng yếu; liên tục nhấn mạnh Tập đoàn và các đơn vị phải thường xuyên cập nhật, theo dõi sát thị trường, giữ xuyên suốt, ổn định nhịp sản xuất. Với CEO Meetiings, sự điều hành giữa Petrovietnam và các đơn vị thành viên, cũng như giữa các đơn vị/lĩnh vực dần trở nên gắn kết, hiệu quả, trở thành một khối thống nhất.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng hoa chúc mừng và biểu dương đại diện các nhà báo, tác giả Sách Nhật ký CEO meetings

Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng hoa chúc mừng và biểu dương đại diện các nhà báo, tác giả Sách Nhật ký CEO meetings

Ba năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19, với CEO Meetings, cùng với các giải pháp đồng bộ, xuyên suốt, quyết liệt, linh hoạt, những thành tựu đạt được của Petrovietnam là kết quả tất yếu: Năm 2020 vượt khó ngoạn mục, năm 2021 phục hồi tăng trưởng, năm 2022 thiết lập nhiều kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách quốc gia và nâng cao giá trị thương hiệu.

Quản trị biến động nói riêng và phương châm chỉ đạo của Tập đoàn nói chung là sáng tạo mới trong lý thuyết quản trị, cho thấy sự đúng hướng, quyết đoán, kịp thời trước thời cuộc. Đó không phải là khẩu hiệu mà đã đi vào thực tiễn và minh chứng bằng những kết quả đầy ấn tượng của Tập đoàn trong 3 năm qua, được sự ghi nhận, đánh giá cao, lấy lại được niềm tin của Đảng, Nhà nước và xã hội cũng như sự đồng tình, ủng hộ trong toàn Tập đoàn! Những bài học kinh nghiệm và quyết sách đúng đắn ấy sẽ tiếp tục tạo động lực cho Petrovietnam hướng tới nỗ lực, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ to lớn hơn và thực hiện thành công chiến lược phát triển, lập nhiều thành tựu mới, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

Cuốn sách Nhật ký CEO meetings được Nhà xuất bản Lao động ấn hành dưới dạng sách cứng, được trao tặng đến các cán bộ nhân viên, người lao động của Tập đoàn, cũng như phát hành rộng rãi đến bạn đọc. Đồng thời, cuốn sách cũng có bản điện tử được đăng tải trên tạp chí điện tử PetroTimes và website của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhằm phổ biến rộng rãi, tạo điều kiện cho công chúng có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Quý độc giả có thể đọc sách online khi truy cập đường link: Nhật ký CEO meetings

Về định hướng hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành dầu khí Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã và đang xây dựng nhóm nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý (thấu hiểu doanh nghiệp, chuyên gia, phân tích dữ liệu, thí nghiệm) và nhóm chuyên sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh…

VPI cũng đang xây dựng “Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam – Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc (insights) về dầu khí. Hệ thống đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời với giao diện người dùng thân thiện bằng ngôn ngữ tự nhiên giúp hỏi đáp, truy cập và phân tích thông tin nhanh chóng. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng các tiến bộ mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới như: mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), AI tạo sinh (Generative AI) để tổng hợp tri thức và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia dầu khí của VPI trong 45 năm qua cũng như của ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm lịch sử, cùng với lượng lớn dữ liệu và tri thức dầu khí thế giới. VPInsights sẽ giúp các chuyên gia của VPI/Petrovietnam cũng như các đối tác trong và ngoài nước cùng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm số và cộng tác, đóng góp trên hệ sinh thái chung về tri thức dầu khí – hỗ trợ việc dự báo tình hình và hoạch định giải pháp kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới biến động không ngừng.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đã triển khai nghiên cứu công nghệ chế tạo hệ hóa phẩm khử nhũ (demulsifier) nhằm nâng cao hiệu quả tách nước khỏi dầu thô trong quá trình khai thác và vận chuyển dầu tại bể Cửu Long. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm chế tạo hệ hóa phẩm khử nhũ phù hợp với đặc điểm dầu thô Việt Nam và áp dụng thử nghiệm tại mỏ khai thác dầu, từ đó tiến tới thương mại hóa sản phẩm, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

TS. Hoàng Linh Lan – Ban Khoa học Chiến lược VPI cho biết, hóa phẩm khử nhũ VPI-Demul do VPI sản xuất đã được kiểm tra chất lượng sản phẩm tại phòng thí nghiệm của Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro”. Kết quả cho thấy sản phẩm VPI-Demul đạt yêu cầu chất lượng. Trên cơ sở đó, Vietsovpetro đã chấp thuận triển khai thử nghiệm công nghiệp VPI-Demul tại giàn khai thác mỏ Bạch Hổ, bể Cửu Long.

Việc hình thành nhũ tương trong quá trình khai thác (thường là nhũ tương nước trong dầu thô) sẽ khiến dòng chất lưu bị tăng độ nhớt, tăng nguy cơ gây ăn mòn đường ống, thiết bị, gây cản trở dòng chảy dẫn đến sản lượng bị suy giảm…

Hóa phẩm khử nhũ VPI-Demul được sử dụng để khử nhũ tương nước trong dầu thô nhằm đảm bảo chất lượng dầu thô trong vận chuyển và xuất bán thương mại, đồng thời giúp giảm nguy cơ ăn mòn thiết bị và gia tăng sản lượng khai thác dầu.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đang triển khai nghiên cứu xây dựng các mô hình giúp tối ưu trong giao thông vận tải, ví dụ như việc tối ưu hóa định tuyến xe được tích hợp với thông tin giao thông thời gian thực nhằm giảm thiểu chi phí giao hàng.

Theo ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc dữ liệu của VPI, dự kiến cuối năm nay VPI sẽ hoàn thành các thuật toán cơ bản với các module về giao thông và tối ưu hóa. Mô hình này nếu thành công sẽ áp dụng cho các bài toán khác nhau trong ngành năng lượng, cả cung và cầu.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đã nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái Oilgas AI sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và các thuật toán học máy (Machine Learning – ML) để tổng hợp, biểu diễn và phân tích dữ liệu chuyên sâu trong lĩnh vực dầu khí, với các sản phẩm như dầu thô, xăng dầu, LPG, và khí tự nhiên.

VPI hiện là đối tác của Microsoft và đang triển khai các giải pháp để tối ưu phân tích, sử dụng, quản lý dữ liệu giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, hệ sinh thái Oilgas AI được xây dựng trên nền tảng Power Pages của Microsoft, được tích hợp các công cụ xử lý, phân tích, kết nối, quản lý dữ liệu mới nhất hiện nay như: Power Apps (phát triển ứng dụng), Power Automate (tự động hóa tác vụ), Power BI (trực quan hóa dữ liệu tương tác) và Power Virtual Agents (trợ lý ảo thông minh).

Hệ sinh thái Oilgas AI sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán học máy

Hệ sinh thái Oilgas AI sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán học máy

Đối với từng loại sản phẩm, Oilgas AI biểu diễn phân tích thông tin dữ liệu về thị trường, dự báo giá, cung – cầu, cơ sở hạ tầng, tồn kho… giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, khai thác, tương tác với dữ liệu trực quan, sinh động thông qua các biểu đồ, báo cáo, dashboard… Các dữ liệu sẽ liên tục được cập nhật, giúp người dùng có thể theo dõi số liệu trong thời gian thực.

Thông tin giá dầu thô được biểu diễn phân tích trên hệ sinh thái Oilgas AI

Thông tin giá dầu thô được biểu diễn phân tích trên hệ sinh thái Oilgas AI

Đặc biệt, các doanh nghiệp cung ứng, nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu có thể theo dõi  dự báo giá bán lẻ xăng dầu của VPI thông qua sản phẩm xăng dầu tại hệ sinh thái Oilgas AI. Mô hình dự báo giá xăng dầu của VPI sử dụng các giải thuật học máy để mô hình hóa nguồn dữ liệu đầu vào và liên tục cập nhật các yếu tố mới để đưa ra dự báo chính xác nhất về mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng như giá cơ sở các sản phẩm xăng dầu trong nước và nhập khẩu.

Mô hình dự báo giá xăng dầu của VPI sử dụng các giải thuật học máy

Mô hình dự báo giá xăng dầu của VPI sử dụng các giải thuật học máy

Biểu diễn và dự báo giá bán lẻ xăng E5RON92

Biểu diễn và dự báo giá bán lẻ xăng E5RON92

Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Phân tích dữ liệu của VPI cho biết, Oilgas AI hướng tới trở thành mạng lưới liên kết các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng ở trong và ngoài nước ứng dụng các tiến bộ mới nhất hiện nay như nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán học máy (ML)… Hệ sinh thái này tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua việc tối ưu hóa phân tích, khai thác, sử dụng dữ liệu, một cách an toàn – thuận tiện, cũng như ứng dụng, sử dụng các mô hình, thuật toán đã được phát triển bởi các chuyên gia VPI và các chuyên gia hàng đầu khác trong ngành Dầu khí đang hợp tác với VPI. Các sản phẩm, dịch vụ về thị trường năng lượng sẽ cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh và hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày cũng như xây dựng kế hoạch, hoạch định chiến lược dài hạn.

VPI đã bắt đầu cung cấp dịch vụ miễn phí khai thác dữ liệu để người dùng trải nghiệm phiên bản dùng thử của hệ sinh thái Oilgas AI tại địa chỉ https://oilgasai.powerappsportals.com/. Sau giai đoạn thử nghiệm, VPI sẽ cung cấp các gói dịch vụ tùy chọn, đáp ứng đa dạng nhu cầu khai thác thông tin dữ liệu của khách hàng.

Ghi chú: Để chia sẻ dữ liệu, quảng bá các sản phẩm và nghiên cứu lên hệ sinh thái Oilgas AI, xin vui lòng liên hệ: Mr. Lê Ngọc Anh/Email: anhln@vpi.pvn.vn.

 

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đã thiết kế và chế tạo thành công sản phẩm theo dõi ăn mòn thực tế cho đường ống tại hiện trường (Corrosion coupon, Holder, O-ring…).

Sản phẩm của VPI giúp theo dõi ăn mòn thực tế cho đường ống tại hiện trường

Sản phẩm theo dõi ăn mòn thực tế được sử dụng cho các đường ống công nghệ trong nhà máy, ngoài giàn khai thác hay tàu dầu với kích thước gần như không hạn chế.