Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết từ nay đến ngày 5/11/2023 sẽ xét tuyển 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).
Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng Đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).
Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: (1) Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ hàng tháng theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; (2) Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc – kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; Ứng dụng AI, ML trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác (Ứng dụng AI, ML phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; Ứng dụng AI, ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí); Nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; Các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi (Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, tàng trữ và giám sát quá trình tàng trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; Nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chấn (địa chấn địa tầng, thuộc tính địa chấn, …) để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể); Lưu giữ khí hydrogen/CO2 trong môi trường lỗ hổng: lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; Ứng dụng khoa học dữ liệu trong phân tích và mô tả địa kỹ thuật lòng đất vùng gần bờ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi.
Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của PVN và đề xuất mô hình phù hợp để tích hợp chuỗi giá trị CCS vào chuỗi hoạt động của PVN; Phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa CO2 và khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydro, nhiên liệu và hóa chất; Nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; Phát triển công nghệ tổng hợp vật liệu than ống kích thước nano (CNT) từ nguồn khí giàu methane sử dụng công nghệ CVD và xúc tác kim loại dạng bản mỏng; Phát triển chuỗi giá trị hydrogen xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm.
Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2023 đợt 2: Chi tiết tại đây.
Mẫu Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh: Chi tiết tại đây.
Ngày 13/10/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã ra mắt sách điện tử “Sáng tạo sản phẩm số – Ai cũng dùng AI – Ứng dụng Power BI Service và AutoML trong lĩnh vực dầu khí” (ISBN: 978-604-80-8046-4). Cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản và được phát hành trên Ebook365 – Nền tảng xuất bản sách điện tử quốc gia.
Cuốn sách hướng dẫn người dùng khai thác triệt để công cụ Power BI Service – nền tảng phân tích dữ liệu ưu việt thuộc hệ sinh thái Microsoft – trong việc sáng tạo sản phẩm số, áp dụng mô hình học máy tự động (AutoML) và giới thiệu những sản phẩm số tiêu biểu ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí được VPI xây dựng. Với tinh thần “ai cũng có thể xây dựng sản phẩm số” và hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, cuốn sách giúp độc giả có thể tổ chức, khai thác bộ dữ liệu và chuyển dữ liệu thành những sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy, mang lại giá trị hữu ích cho doanh nghiệp. Độc giả được trang bị những kiến thức nền tảng cơ bản đến nâng cao để có thể xây dựng những sản phẩm số đầu tiên: Từ kết nối các nguồn dữ liệu khác nhau, tổ chức, quản lý và duy trì nguồn dữ liệu cho báo cáo, tạo các biểu đồ với khả năng tương tác theo tùy chọn của người dùng cuối. Hơn hết, những sản phẩm số ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí được giới thiệu trong cuốn sách với cách tiếp cận logic, bài bản chính là yếu tố truyền cảm hứng thôi thúc độc giả sáng tạo sản phẩm số của riêng mình.
Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Dữ liệu của VPI, đại diện nhóm tác giả cho biết: Đây là cuốn sách đầu tiên trong loạt sách “Ai cũng dùng AI” của VPI, giúp độc giả hiểu rõ hơn về các công cụ để tổ chức và phân tích dữ liệu như Power BI Service, và đặc biệt có tiếp cận nhanh và dễ hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI) qua ứng dụng AutoML. Đây là nền tảng công nghệ thay đổi cách chúng ta làm việc, học hỏi và tạo ra giá trị cho nghiên cứu nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của ngành Dầu khí. Với trí tuệ nhân tạọ, các cán bộ công nhân viên đang làm việc trong ngành dầu khí, từ thượng nguồn tới hạ nguồn, từ kỹ thuật tới kinh tế, quản lý,… đều có thể tận dụng những công cụ này để tối ưu hóa công việc, tạo ra các giải pháp mới và tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm, khai thác nguồn năng lượng cho đất nước. Với tinh thần “Ai cũng dùng AI”, VPI sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những công cụ và kiến thức cao cấp hơn thông qua ngôn ngữ lập trình Python, cùng với sự áp dụng của các mô hình vật lý – địa chất từ các chuyên gia VPI.

Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Dữ liệu của VPI và các tác giả tại Lễ ra mắt cuốn sách
Theo định hướng phát triển, VPI tập trung xây dựng, vận hành và phát triển nền tảng sáng tạo dầu khí giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tận dụng tối đa các nguồn lực, lợi thế cạnh tranh để thực hiện chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số, đảm bảo phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, đồng thời tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới của thị trường năng lượng để tạo ra các bước phát triển đột phá. Trên cơ sở đó, VPI đã và đang xây dựng Nhóm nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý và Nhóm sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh…
Đặc biệt, VPI đang xây dựng “Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam – Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc (insights) về dầu khí. Hệ thống đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời với giao diện người dùng thân thiện bằng ngôn ngữ tự nhiên giúp hỏi đáp, truy cập và phân tích thông tin nhanh chóng. Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng các tiến bộ mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới như: mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), AI tạo sinh (Generative AI) để tổng hợp tri thức và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia của ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm qua, cùng với lượng lớn dữ liệu và tri thức dầu khí thế giới. VPInsights sẽ giúp các chuyên gia của VPI/Petrovietnam cũng như các đối tác trong và ngoài nước cùng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm số và cộng tác, đóng góp trên hệ sinh thái chung về tri thức dầu khí – hỗ trợ việc dự báo tình hình và hoạch định giải pháp kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới biến động không ngừng.
Độc giả đọc sách tại Ebook365 – Nền tảng xuất bản sách điện tử quốc gia: https://xuatban.ebook365.vn/sang-tao-san-pham-so-ai-cung-dung-ai-ung-dung-power-bi-service-va-automl-trong-linh-vuc-dau-khi-r7P8W.html
Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã tổ chức chương trình gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam. Vinh dự tham gia sự kiện này, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã báo cáo với Thường trực Chính phủ về nỗ lực vượt qua thách thức của Petrovietnam trong thời gian qua, đặc biệt là kết quả triển khai 2 nhóm giải pháp chính: “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” và “Đổi mới công tác quản trị, nâng cao hiệu quả và dịch chuyển mô hình kinh doanh”.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo với Thường trực Chính phủ về nỗ lực vượt qua thách thức của Petrovietnam
Ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 13/10/1945, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã gửi thư cho giới Công Thương, sau này trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam; đây thể hiện sự thấu hiểu của Bác đối với nỗi khó khăn, vất vả và ghi nhận vai trò của doanh nhân cũng như giới kinh thương Việt Nam. Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ trong bộn bề công việc của mình cũng dành thời gian gặp gỡ, động viên doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là một động lực to lớn để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần vượt qua muôn vàn khó khăn để tồn tại và phát triển, đóng góp lớn cho quốc gia, dân tộc.
Có thể nói, trong sự nghiệt ngã, khốc liệt của thương trường, doanh nghiệp muốn phát triển, trường tồn, sau khi sinh ra, trưởng thành phải liên tục cải tiến, đổi mới; tái cấu trúc theo chu kỳ, thậm chí tái tạo và tái lập. Petrovietnam cũng vậy, ra đời từ Đoàn thăm dò dầu lửa 36 ngày 27/11/1961, nay đã 62 năm truyền thống, trong thời gian ấy, Petrovietnam đã phát triển và trưởng thành, có đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, có giai đoạn do sự phát triển nóng, xa rời cốt lõi và bị tổn thương văn hóa cùng với tác động từ môi trường kinh doanh như giá dầu giảm sâu, phạm vi hoạt động… đã dẫn đến khó khăn, khủng hoảng kéo dài. Năm 2017, Petrovietnam đã từng báo cáo Thủ tướng Chính phủ bức tranh tài chính, dự báo đến năm 2019, Petrovietnam sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ, Petrovietnam đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện. Tôi xin được chia sẻ 2 nhóm giải pháp chính:
Việc ưu tiên, tập trung thực hiện trước hết đó là “Tái tạo Văn hóa Petrovietnam”. Với mục tiêu tái tạo văn hóa để củng cố và tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Ngày 27/11/2019, Petrovietnam chính thức phê duyệt Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam, trên cơ sở tư tưởng cốt lõi bao gồm: Mục đích cốt lõi và Hệ giá trị cốt lõi, tiến hành sàng lọc, loại bỏ văn hóa xấu độc; cập nhật, bổ sung văn hóa tiến bộ, hiện đại cùng các giải pháp đồng bộ, cụ thể như hình thành 7 thói quen hiệu quả,… Sau hơn 4 năm kiên trì tổ chức thực hiện, đến nay cơ bản đã củng cố và phát triển Văn hóa nền tảng và Văn hóa bản sắc của Petrovietnam gắn với hệ giá trị cốt lõi là “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, lấy lại được niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người lao động và xã hội, góp phần đưa Giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng 3 lần so với năm 2019).
Việc thứ hai là: Đổi mới công tác quản trị, nâng cao hiệu quả và dịch chuyển mô hình kinh doanh. Trên cơ sở định hướng của Đảng, Nhà nước; mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước, thực tiễn hoạt động, các xu hướng lớn, Petrovietnam đã cập nhật chiến lược và hoàn chỉnh đồng bộ Đề án tái cấu trúc; điều chỉnh mô hình quản trị tinh gọn, giảm trung gian; phân công, phân cấp, phân quyền theo hướng cấp nào nắm việc rõ nhất thì cấp đó chịu trách nhiệm ra quyết định quản trị; Tổ hợp, chuẩn mực hóa Hệ thống quy chế quản trị giảm xuống còn 140 quy chế, chia làm 6 Bộ theo lĩnh vực, được số hóa toàn bộ, từng bước tối ưu, cập nhật trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Xây dựng và đưa vào thực tiễn Bộ giải pháp và quản trị biến động để ứng phó với những thay đổi nhanh; triển khai đồng bộ Quản trị danh mục đầu tư tài chính và danh mục đầu tư phát triển theo Mô hình Công ty mẹ Holding kết hợp điều hành; tổ chức, hình thành các chuỗi liên kết trong Hệ sinh thái Petrovietnam, đến nay đã đưa 24 chuỗi giá trị, chuỗi liên kết vào hoạt động, phát huy hiệu quả rất tích cực…
Kết quả của việc thực hiện các nhóm giải pháp trên, mô hình kinh doanh của Petrovietnam đã được dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, cơ cấu doanh thu, lợi nhuận giữa các lĩnh vực ổn định, tăng trưởng, không còn chỉ dựa vào lĩnh vực khai thác dầu khí nữa. Kết quả sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng trung bình so với giai đoạn 2016-2020; từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tổng doanh thu đạt 2.117 nghìn tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách nhà nước đạt 349,12 nghìn tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 60%; tiết giảm chi phí đạt 13.792 tỷ đồng; đặc biệt là thu nhập người lao động tăng 18,2%. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2020 (khi giá dầu -37,63USD), Petrovietnam là một trong số ít công ty dầu khí trên thế giới đã vượt qua và có lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng; năm 2021 đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19; năm 2022 đạt nhiều kỷ lục, hoàn thành nhiều công trình lớn, đạt nhiều giải thưởng KHCN; năm 2023 sau 9 tháng hoạt động, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 655 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 9 tháng, hoàn thành 97% kế hoạch năm; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 105,4 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn vượt 17% kế hoạch năm.
Để đạt được kết quả nêu trên, ngoài những nỗ lực, cố gắng của 6 vạn cán bộ, đảng viên, người lao động, Petrovietnam còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian tới, với mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia, giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước những khó khăn lớn như xu hướng dịch chuyển năng lượng, địa chính trị phức tạp, biến động của thị trường,… Petrovietnam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương để giữ đà phát triển bền vững, đạt được những thành công và thắng lợi mới, tiếp tục đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước với vai trò là một tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 11/10/2023, giá xăng bán lẻ trong nước có thể giảm mạnh 9% xuống dưới ngưỡng 23 nghìn đồng/lít, nếu Liên bộ quyết định không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Diễn biến giá bán lẻ xăng RON 95 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 11/10/2023

Diễn biến giá bán lẻ xăng E5 RON 92 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 11/10/2023
Cụ thể, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network – ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong nước trong kỳ điều hành ngày 11/10/2023 có thể giảm khoảng 9%, tương ứng 2.220 – 2.375 đồng, về mức 21.280 đồng/lít (E5 RON 92) và 22.465 đồng/lít (RON 95).
Trong khi đó, giá dầu bán lẻ dự báo giảm trên 6%, cụ thể giá dầu diesel có thể giảm 1.433 đồng về mức 22.157 đồng/lít; dầu hỏa có thể giảm 1.810 đồng về mức 22.000 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 1.161 đồng về mức 16.289 đồng/lít. Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ có thể sẽ không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo số liệu của Dow Jones Market Data, giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối tuần 6/10/2023, nhưng không đủ đảo ngược đà giảm mạnh trong tuần đầu tháng 10. Khép lại phiên giao dịch này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2023 tăng 0,6% lên 82,79 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2023 tăng 0,6% lên 84,58 USD/thùng, song vẫn sụt giảm 8,3% trong cả tuần.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 4/10/2023 cho biết lượng xăng thành phẩm, thước đo nhu cầu, đã giảm trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại JP Morgan, mức tiêu thụ xăng của Mỹ ở mức thấp nhất trong 22 năm. Các nhà phân tích cho hay giá nhiên liệu đã tăng 30% trong Quý III/2023 dẫn đến nhu cầu giảm 223.000 thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích của Exinity Group cho rằng sự sụt giảm của giá dầu trong tuần này đã khiến cho những dự đoán giá dầu tăng lên 100 USD/thùng khó có thể xảy ra.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết – chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, trước kỳ điều chỉnh, giá dầu thô và xăng dầu thế giới tăng mạnh 3 – 4% trong phiên giao dịch ngày 9/10/2023 do xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas bất ngờ nổ ra tại dải Gaza. Trước diễn biến bất thường về địa chính trị, mặc dù có sự điều chỉnh tăng lớn về bước giá, tuy nhiên, diễn biến đáng lo ngại này vẫn chưa tác động ngay lên giá dầu thô, xăng dầu thành phẩm tại kỳ điều hành 11/10/2023.
Theo mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 2/10/2023, giá xăng bán lẻ trong nước có thể giảm khoảng 4%, tương ứng 956 – 1.191 đồng, về mức 23.234 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.549 đồng/lít (RON 95).

Diễn biến giá bán lẻ xăng RON 95 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 2/10/2023

Diễn biến giá bán lẻ xăng E5 RON 92 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 2/10/2023

Mô hình dự báo giá bán lẻ dầu diesel trong kỳ điều chỉnh ngày 2/10/2023
Theo mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 2/10/2023, giá xăng bán lẻ trong nước có thể giảm khoảng 4%, tương ứng 956 – 1.191 đồng, về mức 23.234 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.549 đồng/lít (RON 95).
Trong khi đó, giá dầu bán lẻ trong nước dự báo giảm nhẹ, cụ thể giá dầu diesel có thể giảm 112 đồng về mức 23.478 đồng/lít; dầu hỏa có thể giảm 412 đồng về mức 23.398 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 239 đồng về mức 17.547 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ không trích chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, 1/10/2023 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ Chủ Nhật theo quy định của Nhà nước nên được dời sang ngày đi làm đầu tiên của tuần làm việc, tức là ngày 2/10/2023.
Kết quả khảo sát của Reuters công bố ngày 29/9/2023, giá dầu Brent được dự báo ở mức trung bình 89,95 USD/thùng trong Quý IV/2023 và 86,45 USD/thùng trong năm 2024.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9/2023, giá dầu Brent giao tháng 11/2023 giảm xuống còn 95,31 USD/thùng, song vẫn tăng 27% trong Quý III/2023; giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng giảm xuống còn 90,97 USD/thùng, song vẫn tăng 29% trong Quý III/2023.
Theo dữ liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm 7 giàn xuống còn 623 giàn trong tuần kết thúc ngày 29/9, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tổng số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 51 giàn trong Quý III/2023.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 5/9/2023, giá xăng dầu bán lẻ tăng nhẹ, trong khi đó mặt hàng dầu mazut có diễn biến trái chiều.
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về kinh doanh xăng dầu, 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ lùi ngày điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 1/9/2023 sang 5/9/2023, tức là ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo trong kỳ điều hành ngày 1/9/2023 giá xăng bán lẻ có thể chỉ tăng nhẹ 152 – 178 đồng, lên mức 23.482 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.778 đồng/lít (RON 95). Trong khi đó, giá dầu diesel bán lẻ có thể tăng 322 đồng lên mức 22.672 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 207 đồng lên mức 22.507 đồng/lít. Ngược lại, dầu mazut có thể giảm 2,5% so với kỳ điều hành trước, tương ứng 446 đồng/lít về mức 17.534 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ điều hành này Cơ quan điều hành sẽ không trích chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục tăng do diễn biến giá trong nước đồng pha với giá xăng dầu thế giới và khu vực bởi diễn biến tích cực từ thị trường dầu thô. Mới đây, Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2024 lên 97 USD/thùng, tăng 8 USD/thùng so với dự báo trước đó, do lo ngại tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ chậm lại và tình trạng cắt giảm sản lượng kéo dài từ một số nhà sản xuất OPEC+.
Từ đầu tháng này, Saudi Arabia đã gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9/2023, đồng thời cho biết có thể kéo dài mức cắt giảm này. Liên bang Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Barclays dự báo mức thâm hụt nguồn cung ước đạt 670 nghìn thùng/ngày vào năm 2023 và 250 nghìn thùng/ngày vào năm 2024, đồng thời khuyến nghị nên mua ở mức giá 90 – 95 USD/thùng.
Tuy nhiên, Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2023 thêm 3 USD/thùng xuống còn 84 USD/thùng, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo giá triển vọng Quý IV/2023 ở mức 92 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10/2023 được giao dịch quanh mức 86 USD/thùng vào lúc 07:48 GMT ngày 30/8/2023.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc cắt giảm sản lượng, kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng, sẽ khiến tồn kho dầu toàn cầu giảm và gây áp lực tăng giá dầu cho đến cuối năm nay. Dữ liệu ngày 30/8/2023 của EIA cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ (USOILC=ECI) đã giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 422,9 triệu thùng.
EIA dự báo giá dầu Brent trung bình đạt 86 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023, 88 USD/thùng trong tháng 11 – 12/2023 và duy trì xung quanh mốc giá này trong Quý I/ 2024. Giá dầu thô có thể bắt đầu giảm từ Quý II/2024 do tăng trưởng nguồn cung, khiến giá dầu Brent trung bình năm 2024 chỉ đạt khoảng 86 USD/thùng.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 21/8/2023 giá xăng bán lẻ có thể tăng trên 400 đồng/lít, lên mức 23.229 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.425 đồng/lít (RON 95).
So với kỳ điều hành trước, mô hình dự báo giá bán lẻ dầu diesel kỳ này có thể giảm 62 đồng xuống mức 22.358 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 225 đồng lên mức 22.105 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 25 đồng, xuống mức 17.635 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ không trích chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 dự báo sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70% mức tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại chỉ còn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, khi quá trình chuyển dịch năng lượng tăng tốc.
Nguồn cung dầu toàn cầu giảm 910 nghìn thùng/ngày xuống 100,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023. Sản lượng của Saudi Arabia giảm mạnh trong tháng 7 đã khiến sản lượng của OPEC+ giảm 1,2 triệu thùng/ngày xuống 50,7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng ngoài OPEC+ tăng 310 nghìn thùng/ngày lên 50,2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 101,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
IEA dự báo trong năm 2024, sản lượng dầu ngoài OPEC+ sẽ “thống trị” tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu với mức tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng của OPEC+ có thể chỉ tăng thêm 160 nghìn thùng/ngày.
Công suất lọc dầu toàn cầu dự kiến đạt 83,9 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2023, tăng 2,4 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023 và cao hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dầu của Liên bang Nga giữ ổn định ở mức 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ giảm so với tháng trước nhưng vẫn chiếm 80% các lô hàng xuất khẩu của Nga. Giá dầu tăng cao hơn đã giúp doanh thu xuất khẩu của Nga tăng 2,5 tỷ USD lên 15,3 tỷ USD, tuy nhiên vẫn thấp hơn 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Dự trữ dầu thô giảm tháng thứ 3 liên tiếp, trong đó dự trữ của OECD thấp hơn 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Cân bằng thị trường được thiết lập khi Saudi Arabia và Liên bang Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung ít nhất là đến tháng 9/2023.
IEA ước tính công suất dự phòng của OPEC+ là 5,7 triệu thùng/ngày, có khả năng tăng sản lượng vào cuối năm. Nếu các mục tiêu hiện tại của OPEC+ được duy trì, tồn kho dầu toàn cầu có thể giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong Quý III/2023 và 1,2 triệu thùng/ngày trong Quý IV/2024, tiềm ẩn rủi ro đẩy giá dầu lên cao hơn.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/8/2023, giá xăng giảm nhẹ trong khi đó giá dầu (diesel, dầu hỏa, dầu mazut) bán lẻ có thể tăng trên 6%.

Dự báo giá bán lẻ dầu diesel kỳ điều chỉnh ngày 11/8/2023
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/8/2023 giá xăng bán lẻ có thể chỉ giảm nhẹ 47 – 77 đồng, về mức 22.713 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.913 đồng/lít (RON 95). Ở chiều ngược lại, giá dầu bán lẻ trong nước có xu hướng tăng mạnh từ 6 – 7,7%, cụ thể giá dầu diesel có thể tăng 1.233 đồng lên mức 21.843 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 1.207 đồng lên mức 21.477 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng đến 7,7% so với kỳ điều hành trước, tương ứng 1.270 đồng/lít lên 17.800 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ chỉ chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel khoảng 300 đồng.
Từ ngày 2 – 8/8/2023, giá xăng trung bình tại thị trường Singapore đạt 99,167 USD/thùng (xăng RON 92) và 104,787 USD/thùng (xăng RON 95). So với kỳ điều hành trước, giá xăng RON 92 và RON 95 giảm nhẹ chỉ khoảng 0,5 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu trên thị trường Singapore tăng mạnh so với chu kỳ trước, trong đó giá dầu diesel tăng 7,277 USD/thùng lên 115,993 USD/thùng, dầu hỏa tăng 6,984 USD/thùng lên 113,01 USD/thùng, dầu mazut tăng 56,869 USD/tấn lên 558,12 USD/tấn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc Saudi Arabia tự nguyện kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng và nhu cầu dầu ngày càng tăng sẽ gây áp lực tăng giá dầu trong những tháng tới. EIA dự báo sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu tăng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Giá dầu Brent trung bình đạt 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay và đạt trung bình 88 USD/thùng vào tháng 11 – 12/2023.
Sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 được EIA dự báo tăng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, trong đó 1,2 triệu thùng/ngày đến từ các quốc gia ngoài OPEC dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Na Uy. Mặc dù áp dụng các biện pháp cắt giảm sản lượng kéo dài đến năm 2024, sản lượng dầu của OPEC có thể sẽ tăng trong năm 2024 với mức trung bình là 0,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng sẽ tạo ra áp lực giảm giá dầu từ Quý II/2024 và EIA dự báo giá dầu Brent trung bình chỉ đạt 86 USD/thùng trong năm 2024.
EIA kỳ vọng sản lượng khai thác trung bình của Liên bang Nga trong năm nay sẽ giảm từ 0,2 triệu đến 0,3 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2024. Sản lượng của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil được dự báo sẽ tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2022 – 2024. Các quốc gia khác cũng có tăng trưởng sản lượng đáng kể trong năm 2024 như Canada, Guyana và Na Uy.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm 2023 ở chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước, về đích trước kế hoạch 5 tháng.

Giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng
Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước 7 tháng đầu năm nay đều cho thấy khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và xấu hơn rất nhiều so với những dự báo đưa ra từ đầu năm. Tăng trưởng toàn cầu thấp; cầu tiêu dùng yếu; hàng rào bảo hộ gia tăng; thị trường tài chính có nhiều biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng ở nhiều quốc gia; xuất hiện những thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn kinh tế; thị trường năng lượng nhiều biến động, giá và sức cầu đều diễn biến tiêu cực do sức ép từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu kém. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho nền kinh tế, giữ vững mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.
Là tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được Chính phủ giao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị điều hành theo phương châm “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”, Petrovietnam đã đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, hiệu quả cao. Các chỉ tiêu sản xuất trong 7 tháng đầu năm đều vượt kế hoạch và ở mức cao, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu…
Đặc biệt, Petrovietnam hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính, trong đó chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước tháng 7/2023 đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch tháng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đã nộp ngân sách Nhà nước 78,31 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 7 tháng và đạt 100,02% kế hoạch năm 2023, về đích trước kế hoạch năm 5 tháng.
Ngày 31/7/2023, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh.

TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh
Nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại VPI vào ngày 27/4/2023 với đề tài “Nghiên cứu phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trên cơ sở phân tích tài liệu địa chất – địa vật lý; ứng dụng thực tế tại khu vực Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long”.
Kết quả nghiên cứu của Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo trong các thành tạo trầm tích sông – hồ dựa trên cách tiếp cận địa tầng phân tập 2 miền hệ thống phủ chồng cao (HAST) và miền hệ thống phủ chồng thấp (LAST). Hệ phương pháp nghiên cứu được tác giả đề xuất đã bước đầu cho phép nhận diện và xác định bẫy phi cấu tạo trong các tập trầm tích Oligocene – Miocene sớm tại Lô 09-1, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bồn trũng Cửu Long.
Thay mặt cơ sở đào tạo, TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng VPI đã trao Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí cho nghiên cứu sinh Nguyễn Lâm Anh. Lãnh đạo VPI đánh giá cao phương pháp tìm kiếm bẫy phi cấu tạo áp dụng cho Lô 09 -1, bồn trũng Cửu Long do Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh đề xuất là nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. Lãnh đạo VPI chúc TS. Nguyễn Lâm Anh tiếp tục phát huy kết quả nghiên cứu đạt được để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chúc mừng Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” có thêm 1 nhà khoa học được cấp bằng Tiến sĩ, chúc mừng VPI là cơ sở đào tạo uy tín, có đủ năng lực và kinh nghiệm, góp phần lan tỏa tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong ngành Dầu khí.
Tiến sĩ Nguyễn Lâm Anh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Vietsovpetro, VPI, sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng nghiệp và gia đình đã tạo điều kiện để có thể hoàn thành nghiên cứu này; đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học, để xứng đáng là sản phẩm đào tạo của VPI và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.